Ngày 13/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi Double – Bar đặt 2 thanh nâng ngực cho nam bệnh nhân 18 tuổi bị lõm ngực nặng, hõm sâu kéo thành rãnh dài dọc xương ức.
Phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu này giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại sự tự tin, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Độ lõm quá nặng không thể chỉ đặt 1 thanh nâng
Bệnh nhân là L.Q.U (18 tuổi) ở phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, bị lõm lồng ngực bẩm sinh, càng lớn ngực lõm càng sâu gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, mệt mỏi, khó thở khi gắng sức.
Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, sau khi được bác sĩ tư vấn hướng điều trị kỹ càng, gia đình quyết định cho người bệnh thực hiện phẫu thuật nội soi đặt thanh nâng kim loại để tạo hình xương ức tại đây.
Vùng ngực lõm nặng, hõm sâu kéo thành rãnh dài dọc xương ức, Kíp bác sĩ khoa Ngoại đặt thanh nâng lõm ngực dưới sự hỗ trợ của hệ thống nội soi - Ảnh BVCC |
BSCKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Với trường hợp của bệnh nhân U. bị lõm ngực bẩm sinh từ nhỏ, đến nay 18 tuổi tình trạng lõm mức độ nặng, phần ngực lõm bị lệch và kéo dài thành rãnh sâu dọc xương ức khiến thanh niên trẻ hay mệt mỏi, hơi thở ngắn, nông nên khó khăn khi tham gia các hoạt động gắng sức.
Qua hội chẩn đánh giá đây là trường hợp biến dạng rộng cả một vùng ngực, thay vì chỉ đặt 1 thanh nâng như thông thường, chúng tôi quyết định đặt 2 thanh nâng kim loại để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất với phần ngực lõm được nâng lên đều, đảm bảo chức năng lồng ngực cũng như tính thẩm mỹ cao.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, các thanh đỡ đều được bảo hiểm y tế chi trả, bệnh nhân dù phải đặt nhiều thanh đỡ nhưng không phải trả thêm các chi phí, do vậy mở ra nhiều cơ hội điều trị tối ưu cho các bệnh nhân dị dạng lồng ngực trên tỉnh nhà, đặc biệt là các bệnh nhân khó khăn, không có điều kiện chi trả thêm”.
Bệnh nhân U. được đặt 2 thanh nâng kim loại để xử trí vùng ngực lõm - Ảnh BVCC |
Ca mổ do kíp bác sĩ khoa Ngoại phối hợp khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Dưới sự hỗ trợ của dụng cụ nội soi chuyên dụng, phẫu thuật viên tiến hành luồn 2 thanh kim loại được uốn cong qua đường hầm trước tim sau xương ức để nâng phồng vùng ngực bị lõm. Thanh đỡ được cố định bằng chỉ thép để nẹp bám chặt vào khung sườn. Kiểm tra thanh uốn cố định, không chảy máu, phổi giãn nở tốt.
Ca phẫu thuật nội soi diễn ra nhanh chóng thuận lợi trong 40 phút. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, tự thở tốt. Lồng ngực lõm của người bệnh đầy đặn bình thường khiến gia đình vui mừng, phấn khởi.
Không tổn thương lồng ngực phục hồi cả sức khỏe và thể lực
Triển khai từ năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là một trong số ít cơ sở y tế trên địa bàn làm chủ kỹ thuật nội soi đặt thanh nâng điều trị lõm lồng ngực ở trẻ.
Đây là phẫu thuật khó, đòi hỏi kinh nghiệm của phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê hồi sức do thực hiện trong lồng ngực – nơi gần tim, phổi và các mạch máu quan trọng, nhất là nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm gây tràn khí, máu vào khoảng màng phổi.
Với đội ngũ phẫu thuật viên có kinh nghiệm trong giải phẫu lồng ngực và tay nghề thuần thục đã giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh làm chủ và triển khai hiệu quả kỹ thuật này trong thời gian qua.
Vùng ngực lõm của bệnh nhân (bên trái) được nâng lên tròn đầy sau phẫu thuật (bên trái). |
Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, người bệnh hầu như không mất máu, ít đau đớn, không gây tổn thương lồng ngực, vì vậy có thể xuất viện chỉ 4-5 ngày sau phẫu thuật, hiệu quả điều trị thấy rõ ngay sau mổ. Người bệnh lấy lại sự tự tin về ngoại hình, sức khỏe và thể lực được cải thiện rõ rệt. Thông thường, bệnh nhân sẽ được rút thanh nâng ngực sau từ 2-3 năm”, bác sĩ Hùng cho biết thêm.
Lõm lồng ngực bẩm sinh hay còn gọi là ngực phễu là tình trạng xương ức và các xương sườn bị biến dạng bất thường và lõm về phía sau. Đây là bệnh lý hay gặp nhất (chiếm 90%) trong nhóm các dị dạng lồng ngực bẩm sinh ở trẻ em. Xương ức lõm sẽ đè đẩy vào tim và trung thất, gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động gắng sức.
Phẫu thuật lõm ngực nên thăm khám và điều trị sớm trong giai đoạn từ 5-18 tuổi khi xương lồng ngực còn mềm, việc tạo hình xương ức sẽ dễ dàng, khả năng phục hồi nguyên dạng sẽ cao, ít gây đau đớn hơn so với khi lớn tuổi.” - Các bác sĩ khuyến cáo