Cột sống cong nhanh không tưởng
Em Trần Thị Thanh H. (13 tuổi, Phú Thọ) đến khám trong tình trạng đi lệch người, cột sống cong vẹo. Gia đình cho biết, mới phát hiện em bị vẹo và đi lệch vai một bên từ khoảng 2 - 3 năm nay và cột sống cong vẹo nhanh không tưởng. Trước đó em không hề bị chấn thương hay té ngã gì.
Các bác sĩ đánh giá em bị cong vẹo cột sống vô căn. Các yếu tố thuận lợi làm cong vẹo cột sống ở độ tuổi này có thể do tư thế ngồi học sai, mang vác vật nặng sai tư thế trong một thời gian dài mà không chú ý…
Mổ nắn chỉnh gù vẹo cột sống. |
TS.BS Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, trưởng kíp mổ cho biết, người bệnh bị vẹo cột sống nặng với đường cong lớn hơn 45 độ, thường cần phẫu thuật, phổ biến nhất là hợp nhất cột sống. Bác sĩ phẫu thuật sử dụng thanh kim loại, móc, ốc vít và dây để điều chỉnh và bảo vệ cột sống. Đây là kỹ thuật phức tạp, thường được triển khai ở bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên, người bệnh và gia đình quyết định lựa chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để phẫu thuật và đã thành công.
Phẫu thuật sớm tránh tai biến
Cột sống hồi phục sau mổ. |
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, gù vẹo cột sống là một bệnh lý nặng, xảy ra ở mọi lứa tuổi, tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì. Vẹo cột sống có nhiều nguyên nhân: bẩm sinh, vẹo cột sống kèm theo các bệnh lý tuỷ sống hay thần kinh cơ... nhưng hay gặp nhất là vẹo cột sống vô căn, chiếm 60 - 70%.
Theo số liệu của Bộ Y tế, có đến 28% học sinh phổ thông bị vẹo cột sống. Đặc biệt, ở cấp THPT, tỷ lệ này là 40%. Bệnh gây lệch trọng tâm cơ thể, khiến trẻ ngồi học mau mỏi, tê chân, không giữ được tư thế ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc và viết, dẫn đến căng thẳng thị giác, kém tập trung. Nếu vẹo 50 - 60 độ, các chức năng hô hấp và tim mạch sẽ bị ảnh hưởng. Ở các em gái, sẽ gây khó khăn cho việc sinh nở sau này. Ngoài ra, chứng vẹo cột sống thường kèm thêm nhiều bệnh khác như sa ruột, sa dạ dày, chân vòng kiềng, chân chữ X, bàn chân bẹt, bẹp lồng ngực, méo xương chậu... dễ bị suy chức năng hô hấp, tim mạch và tử vong.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, điều trị vẹo cột sống chủ yếu dựa vào góc vẹo. Nếu góc vẹo nhỏ, dưới 40 độ, bệnh nhi có thể dùng áo chỉnh hình và theo dõi sát. Nhưng khi góc vẹo lớn hơn 40 độ thì phải được phẫu thuật chỉnh hình. Tuy theo bệnh lý mà có các cách thức phẫu thuật khác nhau: Cắt bỏ rồi hàn xương hoặc cố định và hàn xương, bắt vít, nắn chỉnh, xạ hình…
Phẫu thuật nắn chỉnh cột sống là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo căn bản và có kinh nghiệm. Bởi cột sống là nơi chứa tủy sống và các đám thần kinh quan trọng, chỉ một sơ xuất nhỏ có thể dẫn tới tổn thương gây liệt hoặc tử vong. Đa phần bệnh nhân phải tiến hành mổ phối hợp 2 đường: phía trước để lấy đĩa đệm giải phóng đoạn cứng, lối sau để nắn chỉnh cột sống bắt vít và hàn xương... Thời gian trung bình của một ca thường kéo dài từ 5 – 8 tiếng. Thời gian nằm viện từ 8 – 18 ngày.
Để tránh trẻ bị cong vẹo cột sống, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch khuyên, ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên của trẻ cần lựa chọn thời điểm thích hợp dạy trẻ tập đi theo đúng khả năng của mình, tránh nóng vội, muốn trẻ ngồi, đi, đứng quá sớm khiến cột sống non nớt của trẻ phải gánh đỡ sức nặng của đầu và thân mình, dễ khiến trẻ mắc các bệnh cột sống về sau.
Khi trẻ đã biết đi, cần dạy trẻ đi một cách tự nhiên, giữ đầu thẳng, hai vai cân đối, ngực hơi ưỡn ra phía trước. Ở tuổi đến trường, cần tạo cho trẻ thói quen ngồi học đúng tư thế, tránh ép ngực vào thành bàn, nghiêng vẹo cổ để viết, không ngồi học hay xem tivi lâu... Nếu trẻ có những dấu hiệu khác thường thì kịp thời chấn chỉnh, tránh để thành tật do tư thế không đúng.