Mới đây, một bệnh nhân nữ (72 tuổi, TPHCM) đến khám tại Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, vì đau lưng lan đến chân, đi lại khó khăn, uống thuốc và tập vật lý trị liệu đã lâu nhưng không giảm. Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân yếu hai chân, teo cơ vùng cẳng chân hai bên. Kết quả chụp X-quang và MRI cột sống thắt lưng ghi nhận có tình trạng vẹo cột sống và thoát vị đĩa đệm nhiều tầng, gây chèn ép nặng rễ thần kinh.
Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, vừa triển khai kỹ thuật mới phẫu thuật cột sống có hỗ trợ của máy định vị dẫn đường. |
TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật giải phóng rễ thần kinh bị chèn ép, cố định cột sống nhiều tầng, chỉnh vẹo cột sống, ứng dụng các phương tiện chuyên sâu trong phẫu thuật cột sống hiện nay là định vị dẫn đường trong mổ. Ứng dụng kỹ thuật này giúp việc đặt các dụng cụ cố định vào cột sống chính xác, rút ngắn thời gian phẫu thuật. Sau mổ, bệnh nhân giảm triệu chứng đau lưng lan xuống chân rất nhiều, đã tập đi lại và đang trong quá trình điều trị hồi phục sau mổ.
Nếu như trước đây, khi phẫu thuật cố định cột sống, bác sĩ sẽ phải phẫu tích, bộc lộ rộng rãi, rõ ràng các chi tiết giải phẫu. Sau đó, sẽ đặt vít vào thân sống theo những phương pháp đã được nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên, do đặc điểm giải phẫu cột sống của mỗi người là khác nhau. Chưa kể, khi thoái hóa cột sống, cấu trúc giải phẫu thay đổi, cong vẹo cột sống, phì đại các khối khớp… có thể làm tăng tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật cột sống, gây tổn thương thần kinh.
Phẫu thuật cố định cột sống có hỗ trợ của hệ thống máy định vị dẫn đường sẽ giúp tăng tỷ lệ thành công và giảm thiểu biến chứng của cuộc mổ. |
Do vậy, phẫu thuật cố định cột sống có hỗ trợ của hệ thống máy định vị dẫn đường sẽ giúp tăng tỷ lệ thành công và giảm thiểu biến chứng của cuộc mổ. Theo một nghiên cứu đa trung tâm trên thế giới, tỷ lệ đặt ốc vít sai vị trí trong phẫu thuật không có dẫn đường là 8,8%; còn trong phẫu thuật có định vị dẫn đường là 1,8% tuy nhiên tất cả những sai sót này đều được sửa chữa ngay trong lúc mổ.
Ngoài ra, việc ứng dụng kỹ thuật này trong mổ còn giúp lựa chọn kích thước dụng cụ phù hợp cho từng bệnh nhân, giảm tỉ lệ biến chứng chấn thương tủy sống, rễ thần kinh; mất máu trong mổ ít hơn; thời gian mổ được rút ngắn…
TS.BS Phạm Anh Tuấn giải thích, có thể hiểu đơn giản rằng, trong mổ, bệnh nhân được chụp hình cột sống từ đó xác định được các vị trí phù hợp để bắt vít, hướng của vít, đường kính của dụng cụ đặt vào tương thích từng bệnh nhân. Hình ảnh này sẽ được tải vào máy định vị. Máy định vị có các camera “nhìn” vào cột sống bệnh nhân. Phẫu thuật viên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ mà chỉ cần di chuyển để biết được cấu trúc giải phẫu bên dưới là gì.