Phát triển thị trường carbon thông qua công cụ tài chính giảm phát thải khí nhà kính

(khoahocdoisong.vn) - Vừa qua, tại hội thảo “Phát triển thị trường carbon ở Việt Nam: Các công cụ dựa trên thị trường và tiềm năng ứng dụng” do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) qua việc giảm phát thải khí nhà kính là biện pháp quan trọng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, ứng phó với BĐKH đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ. Việt Nam đã tham gia và là thành viên tích cực của Công ước khung Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC). Thỏa thuận Paris về BĐKH thuộc UNFCCC thông qua năm 2015 đã khẳng định vai trò, trách nhiệm pháp lý của gần 200 quốc gia trong ứng phó với BĐKH toàn cầu, đặc biệt làm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC). NDC của Việt Nam cam kết với UNFCCC vào tháng 9/2020 là giảm 9% khí nhà kính từ nay tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và 27% khi có sự hỗ trợ của quốc tế. 

Toàn cảnh buổi hội thảo "Phát triển thị trường cacbon ở Việt Nam: Các công cụ dựa trên thị trường và tiềm năng ứng dụng". Ảnh: Hữu Thông

Toàn cảnh buổi hội thảo "Phát triển thị trường cacbon ở Việt Nam: Các công cụ dựa trên thị trường và tiềm năng ứng dụng". Ảnh: Hữu Thông

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến đối với việc triển khai Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam”; nhằm hướng tới một tiếng nói chung giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và vận hành thị trường carbon một cách hiệu quả với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Đại diện Bộ TN&MT cho rằng, các tỉnh miền Trung đã và đang phải đối mặt, gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ các trận lũ lụt, mưa bão, thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Những rủi ro thiên tai này có nguyên nhân chính từ tác động của BĐKH. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. BĐKH đang là một trong những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của đất nước. Các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương dễ bị tổn thương và chịu tác động lớn nhất là tài nguyên nước, nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe người dân, các vùng đồng bằng và dải đất ven biển. 

Ông Phạm Trọng Quý Châu, Phó Chủ nhiệm thường trực Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TPHCM nêu quan điểm, phát triển thị trường carbon thông qua công cụ tài chính như thuế, mua bán carbon được xem là biện pháp hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Xu hướng này đã phát triển mạnh trên thế giới. Việt Nam mặc dù đi sau nhưng cũng được xem là hướng đi đúng. 

Theo Đời sống
back to top