Phát huy sức mạnh cộng đồng và y tế cơ sở, người cao tuổi Hà Nội được chăm sóc sức khỏe cả thể chất, tinh thần và môi trường sống

Hà Nội có 1,2 triệu người, chiếm tỉ lệ 15% dân số và gia tăng ở mức 5%. Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cả về thể chất, tinh thần và môi trường sống.

Vượt qua nhiều khó khăn để người cao tuổi được chăm sóc đầy đủ

TS.BS Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, theo Kết quả Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, có đến 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị…

Tại Hà Nội hiện nay, số người cao tuổi ở Hà Nội là 1,2 triệu người, chiếm 15% tỷ lệ dân số. Tốc độ gia tăng người cao tuổi cao ở mức khoảng 5%.

Già hóa dân số, số lượng người cao tuổi ngày càng nhiều việc triển khai, chăm sóc người cao tuổi gặp rất nhiều khó khăn như: Một số cấp chính quyền cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thể hiện bằng việc chủ yếu tập trung vào những dịp như Ngày Người cao tuổi Việt Nam hay Quốc tế Người cao tuổi.

Kinh phí cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi ở tại cơ sở còn ít, còn khó khăn nhất là trong bối cảnh phòng chống Covid-19 hiện nay. Đặc biệt, hệ thống y tế cơ sở phải xây dựng lộ trình tự chủ. Trong khi đầu tư từ ngân sách thì có mức độ.

Hiện số người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp còn ít (theo quy định đủ 80 tuổi trở lên).

gia-hoa-thach-thuc.jpg
Phát huy sức mạnh cộng đồng và y tế cơ sở, người cao tuổi Hà Nội được chăm sóc sức khỏe cả thể chất, tinh thần và môi trường sống.

Để chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi, Hà Nội đã vượt qua bao khó khăn, không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe tâm thần và đặc biệt là xây dựng môi trường lành mạnh cho các cụ.

Chính vì vậy, thời gian qua, Hà Nội lựa chọn mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, là hoạt động trọng tâm trong hoạt động chăm sóc người cao tuổi vui – sống khỏe – sống có ích. Do vậy, hằng năm Chi cục Dân số - KHHGĐ và các quận, huyện tập trung triển khai khoảng 100 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.

Thông qua các mô hình triển khai việc tuyên truyền vận động tư vấn phổ biến kiến thức cho người cao tuổi, khám sức khỏe cho người cao tuổi, đặc biệt là hỗ trợ việc thành lập, duy trì các CLB về Văn hóa, thể dục, thể thao, dưỡng sinh cho người cao tuổi. Trong năm 2020 qua sơ kết đánh giá ở các mô hình này có khoảng trên 700 CLB Văn hóa – văn nghệ, thể dục, thể thao, dưỡng sinh, thơ ca… của người cao tuổi ở cộng đồng được hỗ trợ hoạt động. Và với mục tiêu từ nay đến năm 2025 Hà Nội phấn đấu 100% xã phường thị trấn được triển khai mô hình này.

Điểm sáng là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở, cộng đồng

Theo TS.BS Tạ Quang Huy, “điểm sáng” trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Hà Nội chính là phát huy được vai trò của cộng đồng và y tế cơ sở. Điều này thể hiện ở 2 hoạt động mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Đây là mô hình thúc đẩy, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền cơ sở, sự tham gia của các ban ngành đoàn thể từ xã tới thôn trong vấn đề chăm sóc người cao tuổi nói chung và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng.

Ông Huy cho biết, từ năm 2018 đến nay, sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bản Hà đã có sự chuyển biến rất rõ nét.

gia-hoa-1.jpg
Hà Nội biểu dương người làm tốt công tác dân số.

Hằng năm 30 quận huyện, 579 xã, phường đều có kế hoạch để triển khai Kế hoạch số 93/KH-UBND của thành phố. Các hoạt động chăm sóc người cao tuổi nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng cho người cao tuổi được các ban ngành đoàn thể các cấp quan tâm phối hợp triển khai thực hiện như ngành Lao động - Thương bình & Xã hội, hội người cao tuổi các cấp.

Hằng năm các cấp quận huyện, xã phường của thành phố đều có kinh phí hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động này. Nhiều quận huyện duy trì đều đặn hằng năm gồm: Quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… Cấp xã phường tập trung quan tâm đến việc động viên chăm sóc người cao tuổi vào các dịp ngày Người cao tuổi Việt Nam, ngày Quốc tế Người cao tuổi hoặc các dịp lễ, Tết.

Và hệ thống trung tâm y tế các quận huyện hằng năm đều xây dựng kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi lập hồ sơ quản lý bệnh không lây nhiễm ở tuyến cơ sở trong đó có người cao tuổi và tổ chức triển khai hoàn thành chỉ tiêu khám súc khỏe định kỳ hàng năm cho người cao tuổi. Đây là hoạt động quan trọng và đều hoàn thành tốt. Chính vì vậy, hiện nay người cao tuổi đi khám sức khỏe định kỳ đạt 84%.

Để đảm bảo hiệu quả chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung, thứ nhất mong muốn các cấp chính quyền nhất là cấp cơ sở tiếp tục triển khai có hiệu quả luật người cao tuổi, chương trình hành động về người cao tuổi của chính phủ. Thứ 2 đề nghị ngành y tế tăng cường đầu tư nguồn lực nâng cao hiệu quả của kinh tế cơ sở nhằm phục vụ tốt hơn chăm sóc cho người cao tuổi. Thứ 3, tôi mong muốn Chính phủ, HĐND cấp tỉnh quan tâm hạ tuổi người không có lương hưu được hưởng trợ cấp”, TS.BS Tạ Quang Huy nói.

Theo Đời sống
back to top