Bệnh trẻ hóa vì quan hệ tình dục sớm
TS Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Phó Giám đốc, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K cho biết, UTCTC là loại ung thư ở phụ nữ thường gặp, chiếm khoảng 12% của tất cả các loại ung thư ở nữ giới, đứng hàng thứ hai chỉ sau ung thư vú. Riêng tại Việt Nam, cổ tử cung là bộ phận bị ung thư nhiều nhất (với hơn 30 ngàn trường hợp tử vong/năm).
Địa phương có tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung mới cao nhất là TPHCM (với mức bình quân: cứ 100 ngàn phụ nữ thì có khoảng 35 người mắc mới UTTC hàng năm), còn tính chung cả nước là 20 trường hợp mắc mới/100 ngàn phụ nữ/năm. Tuổi trung bình phụ nữ bị UTCTC xâm lần là 48 – 52. Tuy nhiên, gần đây bệnh đang ngày càng trẻ hóa, tại Viện K đã khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân ngoài 20 tuổi và trường hợp sớm nhất được ghi nhận là cô bé 15 tuổi được xác định bị UTCTC ở Khoa sản Bệnh viện Bạch Mai.
Theo TS Tuyên, UTCTC có nhiều loại nhưng phổ biến nhất là UT biểu mô vẩy chiến 80 – 85%, UT biểu mô tuyến chiếm 10% (70 – 80% trong số đó là do virus HPV), còn lại là lẫn lộn giữa tuyến và vẩy, hiếm gặp như dạng u hắc tố, sarcoma mô đệm...
Trường hợp hợp cô bé mới 15 tuổi mắc UTCTC có thể do nguyên nhân nào đó gây biến loạn chứ khó có khả năng do virus HPV, còn hầu hết các trường hợp trẻ hóa là do sinh hoạt tình dục sớm và tần suất nhiều hơn. Các nghiên cứu cho thấy, việc sinh hoạt tình dục sớm, tần suất nhiều, quan hệ với nhiều bạn tình (hoặc bạn tình của mình quan hệ với nhiều người khác) thì người phụ nữ dễ mắc UTCTC. Ngoài ra, những người vệ sinh kém, đời sống kinh tế, văn hóa thấp… có nguy cơ mắc UTCTC.
Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong bằng xét nghiệm PAT
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám Đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch hội Ung thư Việt Nam, UTCTC không xảy ra đột ngột mà trải qua các giai đoạn từ nhiễm virus đến những bất thường ở cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư. Các giai đoạn này diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, trung bình từ 10 đến 15 năm. Điều đáng lưu ý là các giai đoạn này diễn tiến âm thầm, và giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa.
Khi đã ở những giai đoạn muộn, người mắc UTCTC có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không phải ngày hành kinh, hoặc nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân. Đặc biệt, CTC giàu hệ thống hạch bạch huyết, nên khi khối u đã xâm lấn vào hệ thống hạch thì lan tỏa ra các hệ thống hạch quanh tử cung, hạch chậu, hạch lỗ bịt và hạch cạnh động mạch chủ, thậm chí di căn hạch xương đòn và xương phổi.
TS Tuyên cho biết, UTCTC nếu được phát hiện ở giai sớm tỷ lệ sống cao 95%, chị em chỉ cần khoét chóp vẫn có thể sinh đẻ. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay, tỷ lệ không cứu được hoặc phải cắt tử cung ngày càng nhiều do bệnh nhân đến viện muộn (60-70% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn cuối). Trong khi đây là loại ung thư có thể phòng ngừa được.
UTCTC nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được bằng cách phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cần khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ, ít nhất 1 năm/1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh. Ngoài ra, với phụ nữ trẻ dưới 26 tuổi, có thể tiêm văcxin để phòng ngừa.
Nguyên nhân gây UTCTC đến nay đã được xác định chủ yếu là virus HPV. Đây là virus rất dễ lây lan và hầu hết mọi phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm virus này. Trung bình cứ 10 phụ nữ thì có đến 8 người có thể từng một lần nhiễm HPV trong đời. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV là bị UTCTC. Nhiều chị em nhiễm virus HPV rồi tự hết mà không cần điều trị. Một số khác nhiễm lâu dài với những loại HPV có khả năng gây ung thư qua nhiều năm thì các tổn thương sẽ dần dần tiến triển ở cổ tử cung và trở thành ung thư. Những loại HPV gây ra UTCTC nhiều nhất là HPV 16, 18, 31, 45.