Phát hiện sớm sỏi túi mật tránh các biến chứng nguy hiểm tính mạng

Sỏi túi mật phát hiện rất đơn giản nên mọi người cần chú ý để điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Hiện theo thống kê thì chỉ có khoảng từ 10-20% bệnh nhân có bệnh sỏi mật từ lúc phát hiện ra bệnh tới lúc có triệu chứng là sau 5-20 năm. Còn khi triệu chứng của bệnh, tức là có biến chứng rồi mới đi viện là tình trạng khá phổ biến của những người dân bị mắc bệnh sỏi mật.

Bệnh sỏi túi mật phát hiện rất đơn giản qua siêu âm và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu người dân thấy đau bụng, đặc biệt đau vùng gan, sốt, có dấu hiệu vàng da… thì cần phải đến cơ sở y tế thăm khám. Nếu người dân chủ quan, để bệnh trong tình trạng nặng sẽ dẫn tới nhiều biến chứng như viêm hoại tử túi mật hoặc sỏi rơi vào đường mật gây biến chứng viêm tụy cấp, tắc mật cấp.

Phát hiện sớm và điều trị sỏi mật kịp thời sẽ hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như:

soi-tui-mat-1.jpg
Phát hiện sớm sỏi túi mật tránh các biến chứng nguy hiểm tính mạng

Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật: Tình trạng tắc đường mật và nhiễm trùng do sỏi dẫn đến làm tăng áp lực trong đường mật, làm tổn thương hệ thống đường mật, qua đó dịch mật nhiễm trùng có thể thấm vào ổ phúc mạc gây nên tình trạng nhiễm trùng ổ bụng, trường hợp nặng có thể hoại tử đường mật gây viêm phúc mạc mật.

Viêm tụy cấp do sỏi: Là biến chứng rất thường gặp, bao gồm viêm tụy cấp thể phù và thể hoại tử. Viêm tụy thể hoại tử rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, thậm chí có thể gây tử vong. Bệnh nhân đau dữ dội, nôn nhiều và co cứng vùng thượng vị kèm theo các triệu chứng trụy tim mạch trong trường hợp nặng.

Chảy máu đường mật: Bệnh nhân có các triệu chứng của sỏi mật đồng thời nôn ra máu và ỉa phân đen, điển hình là nôn ra máu cục có hình thỏi bút chì. Soi dạ dày tá tràng thấy có máu trong tá tràng nguồn gốc từ đường mật.

Viêm mủ đường mật và áp xe gan mật: Ở các nước nhiệt đới, viêm đường mật phổ biến trong các trong các bệnh lý đường mật. Trong viêm đường mật nguyên nhân là sỏi chiếm hàng đầu (từ 77,78 – 97,52%). Bệnh nhân đau nhiều ở vùng gan, tình trạng nhiễm trùng nặng nề: sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, thể trạng suy kiệt do thiếu nước và nhiễm độc.

Sốc nhiễm khuẩn đường mật: Là biến chứng nặng, chiếm từ 16 – 24%. Đa số gặp ở người lớn tuổi, 75% ở những người trên 50 tuổi. Sốc nhiễm trung đường mật là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân, hay gặp ở các bệnh nhân có sỏi mật, đau sốt nhiều nhưng không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, người bị sỏi mật có thể gặp những biến chứng mạn tính của bệnh gan mật như:

Xơ gan mật: Là bệnh trong đó đường mật trong gan dần bị phá hủy, sự phá hủy của đường mật có thể gây ra các chất độc hại tích tụ trong gan và đôi khi dẫn đến sẹo của mô gan (xơ gan). Nhiều chuyên gia cho rằng xơ gan đường mật là một bệnh tự miễn, trong đó cơ chế chống lại các tế bào của riêng mình. Xơ gan mật phát triển chậm, nếu điều trị nguyên nhân sớm có thể làm chậm lại sự tiến triển của bệnh. Xơ gan mật gây biến chứng xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, ung thư đường mật trong gan.

Ung thư đường mật: Nguyên nhân do viêm đường mật nhiều lần, kéo dài; triệu chứng lâm sàng hay gặp là gầy sút cân, vàng da có thể gặp nếu khối u gây chèn ép đường mật.

Một số trường hợp có sỏi túi mật, sỏi trong gan không có triệu chứng rõ ràng nhưng khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải như đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng.

TS.BS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Theo Đời sống
back to top