Phát hiện một thanh niên có đến 2 quả thận phải

Một dị tật bẩm sinh rất đặc biệt được các bác sĩ phát hiện ở thanh niên 20 tuổi, đó là bệnh nhân có đến 2 quả thận phải. Quả thận đôi này lớn dần và khiến cho bệnh nhân bị đau tức hông dữ dội.

Ảnh minh họa.

Ngày 17/9, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho hay, bệnh viện này đang tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân rất đặc biệt có đến 2 quả thận phải, niệu quản thận trên phải cắm lạc chỗ. Đây là một căn bệnh bẩm sinh rất hiếm. Người mắc phải căn bệnh hiếm này là một thanh niên trẻ tuổi Đ.D.L. (20 tuổi, quê ở Ninh Thuận).

Qua điều tra bệnh sử cho thấy, trước đó bệnh nhân này thấy đau tức ở hông phải rồi tự mua thuốc giảm đau để uống. Khi uống thuốc, bệnh nhân thấy đỡ đau nhưng không khỏi hẳn. Tuy nhiên sau đó lại đau nhiều hơn, uống thuốc giảm đau không giảm, anh L. mới đi khám tại bệnh viện địa phương. Tại đây anh L. được phát hiện thận phải ứ nước nên chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM).

Phần thận trên phải và niệu quản thận trên phải lạc chỗ đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) phẫu thuật lấy ra ngoài – Ảnh: bệnh viện cung cấp.

Tại đây các bác sĩ ghi nhận nửa bụng bên phải bệnh nhân căng, sờ thấy khối choán chỗ nửa bụng phải. Khối choán chỗ sờ nắn không đau, di động với mô xung quanh. Khi tiến hành CT Scanner thì có kết quả thận phải bị ứ nước độ 3, chủ mô thận mỏng, niệu quản phải dãn lớn, ngoằn ngoèo đến sát bàng quang.

Các bác sĩ khoa Ngoại niệu – ghép thận chẩn đoán bệnh nhân L. bị niệu quản phải cự đại bẩm sinh và tiến hành phẫu thuật tạo hình niệu quản phải (cắm niệu quản phải vào bàng quang).

Tuy nhiên theo bác sĩ Trần Thanh Phong – Phó trưởng khoa Ngoại niệu-Ghép thận, Bệnh viện Nhân Dân 115, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có thận phải đôi, niệu quản thận trên phải giãn lớn, ngoằn ngoèo và cắm lạc chỗ vào mặt sau tuyến tiền liệt, thận dưới phải teo nhỏ, niệu quản thận trên phải cắm lạc chỗ. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt thận trên phải và toàn bộ niệu quản trên phải, giữ lại thận dưới phải.

“Hiện sau khi phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, thận dưới phải còn hoạt động”, bác sĩ Phong nói và cho biết thêm, đây là bệnh lý bẩm sinh từ nhỏ và khi bệnh nhân được 20 tuổi mới vào bệnh viện điều trị nên tình trạng bệnh tương đối trễ, thận ứ nước quá nhiều làm biến dạng hình thái giải phẫu của thận.

Cũng theo bác sĩ Phong, việc phát hiện thận đôi như thế là rất khó, dễ chẩn đoán nhầm vì trong trường hợp này, chức năng thận đôi đã giảm nhiều nên không thể hiện rõ hình ảnh trên phim CT scanner bụng có tiêm thuốc cản quang.

Theo Hồ Quang (Một Thế Giới)

Theo Đời sống
back to top