Phát hiện loài rắn hổ nước kỳ lạ, chỉ Việt Nam mới có
Tuệ Minh (T/H)/TT&CS
Một loài rắn mới vừa được giới khoa học công nhận, chỉ được tìm thấy trên một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.
Các nhà khoa học Việt Nam và Nga, bao gồm thạc sĩ Nguyễn Văn Tân (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng), Nikolay A. Poyarkov và Andrey M. Bragin (đều thuộc Đại học Quốc gia Moskva, Nga) đã phát hiện và mô tả về một loài rắn mới, được tìm thấy trên Hòn Tre, một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Nhóm nghiên cứu/Herpetozoa
Loài rắn mới được các nhà khoa học đặt cho tên gọi Colubroelaps adleri, tên tiếng Việt là "rắn hổ nước Adler". Tên gọi này nhằm vinh danh những đóng góp của Giáo sư, Tiến sĩ Kraig Adler của Đại học Cornell (Mỹ) cho những cống hiến và đóng góp của ông trong nghiên cứu các loài động vật lưỡng cư, bò sát. Ảnh: Nhóm nghiên cứu/Herpetozoa
Các nhà khoa học nhận định rắn hổ nước Adler là loài đặc hữu, chỉ sống trên đảo Hòn Tre của tỉnh Khánh Hòa, ở độ cao 30m so với mực nước biển. Trên ảnh là Trạm nghiên cứu Đầm Bay, khu vực phát hiện ra cá thể đầu tiên của loài rắn mới này. Ảnh: Nhóm nghiên cứu/Herpetozoa
Rắn hổ nước Adler là loài thuộc chi Colubroelaps, họ rắn nước. Trước đây, Colubroelaps là chi đơn loài, với một đại diện duy nhất là Colubroelaps nguyenvansangi (tên tiếng Việt là rắn hổ nước Nguyễn Văn Sáng). Loài rắn hổ nước Adler mới được phát hiện có những đặc điểm khác biệt so với loài rắn hổ nước Nguyễn Văn Sáng, trên hình.
Để có thể phân biệt được đây là một loài rắn mới, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều so sánh khác nhau để chỉ ra sự khác biệt của cá thể rắn thu thập được đối chiếu với loài rắn được đặt tên để vinh danh Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáng.
Cụ thể là rắn hổ nước Adler có kích thước nhỏ hơn, đuôi ngắn, số lượng vảy lưng, bụng, vảy đuôi trên cơ thể có sự khác biệt… Rắn hổ nước Adler thuộc họ rắn nước và không sở hữu nọc độc. Các nhà khoa học nhận định rắn hổ nước Adler là loài đặc hữu, chỉ sống trên đảo Hòn Tre của tỉnh Khánh Hòa, ở độ cao 30m so với mực nước biển.
Rắn hổ nước Adler có mặt lưng màu nâu nhạt, với sọc đen hẹp và đứt đoạn dọc theo sống lưng, hai bên sườn màu xám đậm, mặt bụng màu trắng đục đồng nhất, đầu màu đen với vảy mõm, vảy mũi, vảy trước trán, vảy trước mắt, vảy má có màu nâu nhạt và các đốm nâu đậm.
Do rắn hổ nước Adler rất hiếm gặp, mới chỉ thu nhận được một mẫu vật duy nhất để nghiên cứu và đang bị đe dọa bởi sự phát triển của ngành du lịch tại đảo Hòn Tre, nên các nhà khoa học đề xuất xếp loài rắn này vào hạng "Nguy cấp" theo các tiêu chí của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Mời độc giả xem thêm video "Một loài rắn cực kỳ hiếm gặp - Rắn Nguyễn Văn Sáng" - Nguồn Animal Sound