Phát hiện chấn động trong mộ cổ: Lịch sử phải viết lại?
Thiên Trang (TH)
Vào những năm 1980, các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện ra ngôi mộ cổ, trong đó có một món bảo vật quốc gia có thể nói là đã viết lại lịch sử Trung Quốc.
Món bảo vật quốc gia này được tìm thấy trong mộ cổ tại khu vực Ngưu Hà Lương ở địa cấp thị Triều Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc.
Điều đáng nói là món bảo vật quốc gia này được tìm thấy trong một hoàn cảnh hết sức "đặc biệt".
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1983, một nhóm khảo cổ được dẫn đầu bởi Tôn Thủ Đạo và Quách Đại Thuận đã có một cuộc khai quật quy mô lớn tại khu vực Ngưu Hà Lương,
Qúa trình khai quật diễn ra trong một thời gian dài nhưng cả nhóm vẫn chưa tìm thấy bất kỳ thứ gì khiến họ đều chán nản.
Vào một buổi tối, một thành viên trong nhóm khảo cổ muốn đi vệ sinh. Trong lúc giải quyết nỗi buồn, thành viên này đã vô cùng hoảng hốt khi phát hiện ra "một khuôn mặt" dần hiện ra dưới đất.
Với kinh nghiệm lâu năm của mình, anh đã đào bới sâu hơn và nhận ra đó là một cái đầu người bằng gốm. Anh lập tức báo cho đoàn khảo cổ của mình.
Hóa ra đầu người bằng gốm đó chính là một phần của tượng nữ thần Ngưu Hà Lương.
Sau một thời gian tìm kiếm, nhóm khảo cổ đã tìm ra Đền thờ nữ thần Ngưu Hà Lương có niên đại gần 5.000 năm ở khu vực gần đó. Phát hiện này vừa công bố đã gây chấn động thế giới.
Theo các chuyên gia, bức tượng nữ thần Ngưu Hà Lương thuộc nền văn hóa Hồng Sơn, một trong những nền văn minh cổ xuất hiện sớm nhất tại Trung Quốc. Nền văn hóa này có niên đại có từ khoảng tầm 4.700 TCN đến 2.900 TCN.
Với sự phát triển của nông nghiệp và chế độ sống định cư, cư dân Hồng Sơn đã tạo ra những thành tựu văn hóa ấn tượng. Đáng chú ý là các ngôi mộ, đồ gốm, và nghệ thuật chạm khắc độc đáo.
Nền văn hóa Hồng Sơn là một phần quan trọng trong sự tiến hóa của Trung Quốc và mang lại những kiến thức quý giá về đời sống và xã hội thời kỳ đầu của nhân loại.