Phát hiện bàn tay xương xẩu khổng lồ, nghi sinh vật ngoài hành tinh
Thiên Trang (TH)
Sinh vật kỳ lạ nghi người ngoài hành tinh này được một cặp vợ chồng tình cờ phát hiện khi đâng đi dạo dọc bờ biển ở Ilha Comprida, bang São Paulo, Brazil.
Vật thể lạ trôi dạt vào bờ biển Brazil khiến cặp vợ chồng sợ hãi khi đang đi dạo trên biển. Họ cho biết thứ mà họ tình cờ bắt gặp giống như bàn tay người ngoài hành tinh, xương xẩu nằm chình ình trên bãi biển.
Leticia Gomes Santiago và Devanir Souza đang đi dạo dọc bờ biển ở Ilha Comprida, bang São Paulo, Brazil thì tình cờ bắt gặp một bàn tay khổng lồ với những ngón tay dài xương xẩu.
Cặp đôi đã quay phim và đặt chiếc dép xỏ ngón của mình bên cạnh bàn tay kỳ lạ với những ngón tay dài xương xẩu để thấy kích thước to lớn của nó. Leticia Gomes Santiago nói: "Nó có kích thước rất lớn. Chúng tôi không biết đó là loài vật gì, thậm chí còn tệ hơn nếu đó là sinh vật ngoài hành tinh".
Tuy nhiên, nhà sinh vật biển Eric Comin đã nhìn thấy những hình ảnh về sinh vật này sau khi cặp vợ chồng chia sẻ trên mạng xã hội. Ông cho biết thứ kỳ lạ trông giống bàn tay này thuộc về loài động vật biển có vú, đó có thể là cá voi hoặc cá heo, con vật đại dương đã chết cách đây khoảng 18 tháng.
Mark D Scherz, trợ lý giáo sư động vật học có xương sống, người phụ trách nghiên cứu bò sát tại Bảo tàng Statens Naturhistoriske ở Đan Mạch chia sẻ rằng bản thân đã mổ xẻ xác một con cá voi dạt vào bờ biển vào năm 2021, khi kéo hết phần thịt ra thì lộ"bàn tay kỳ quái".
Cá voi, cá heo là hậu duệ của một loài động vật chắc nịch, có kích thước bằng con cáo với thân và đuôi thon dài. Sinh vật cổ xưa này đi lang thang trên đất liền và săn lùng thức ăn trong nước cho đến khi nó hoàn toàn sống dưới nước. Bằng chứng đầu tiên cho thấy cá voi tiến hóa từ động vật trên cạn phát hiện ở Pakistan vào năm 2008.
Hans Thewissen, Đại học Y khoa Đông Bắc Ohio đã tham gia vào nhóm nghiên cứu xác định sinh vật đặt tên là Indohyus - một loài động vật có vú ăn cỏ, có kích cỡ như một chú nai tơ và sống cách đây hơn 48 triệu năm.
Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học nghiên cứu hàng trăm mẫu xương hóa thạch của loài Indohyus tìm thấy ở tỉnh Kalacot, gần ranh giới kiểm soát ở Kashmir, Ấn Độ.
Họ phát hiện điểm đặc biệt giống nhau giữa hai loài này là cấu tạo xương sọ, tai và răng tiền hàm.
Cấu tạo xương của Indohyus có một lớp ngoài rất đặc - đặc hơn nhiều so với các loài động vật có vú và cùng kích thước khác - và đây là dấu hiệu cho thấy loài vật này vừa có thể sống dưới nước, vừa sống trên cạn, tuy nhiên, di chuyển dưới nước rất chậm, giống như loài hà mã mà chúng ta thường thấy.
Thêm vào đó, cấu tạo răng của Indohyus cũng có chất đồng vị oxy tương tự những loài động vật sống dưới nước và là một bằng chứng cho thấy đây là loài sống chủ yếu dưới nước. Do bơi không giỏi, Indohyus thường kiếm ăn ở những vùng nước nông. Cấu tạo xương nặng giúp chúng có thể giữ thăng bằng trong một thời gian khá dài.
Nghiên cứu trên đã khẳng định tổ tiên của cá voi là một loài động vật nhỏ, có vú, sống trên cạn và ăn cây cỏ. Tuy nhiên, với quy luật thích nghi sinh tồn, loài này sau đó đã chuyển xuống môi trường nước để kiếm ăn và dần dần cấu tạo cơ thể cũng biến đổi theo để thích ứng hoàn toàn với môi trường sống.
>>>Xem thêm video: Sinh vật “lạ” cắn phá vườn dừa một cách bí ẩn (Nguồn: THDT).