Phạt đến 20 triệu đồng nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút ngày “đèn đỏ”

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong đó, liên quan đến vi phạm về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, tại điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với người sử dụng lao động:

“d) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác”.

Như vậy, kể từ ngày 17/01/2022 - thời điểm có hiệu lực của Nghị định 12/2022, người sử dụng lao động không cho người lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) thì bị phạt đến 20 triệu đồng.

Trong khi đó, theo điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020 trước đây, mức phạt với hành vi này chỉ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

phat-tien.png
Phạt đến 20 triệu đồng nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút ngày “đèn đỏ”

Tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP còn quy định về mức phạt với một số hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực lao động như sau:

- Phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn việc sử dụng lao động hoặc chấm dứt việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo quy định...

Ngoài ra, Khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ:

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 03 - 07 triệu đồng với người sử dụng lao động khi thực hiện các hành vi sau:

Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;

Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do; thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật…

Theo Đời sống
back to top