Phần mộ chính của Tần Thủy Hoàng mãi chưa được mở, vì sao?
Tâm Anh (theo Ancient origins)
Nhóm chuyên gia cho hay khu vực chưa được khai quật có lẽ chưa từng có người nào đặt chân vào trong hơn 2.000 năm qua kể từ khi Tần Thủy Hoàng được chôn cất ở nơi này.
Vào năm 1974, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc tình cờ được một nông dân phát hiện trong lúc đào giếng. Người này phát hiện những mảnh vỡ của một bức tượng đất nung hình người. Sau đó, các chuyên gia khảo cổ đã vào cuộc và có những khám phá bất ngờ về nơi chôn cất vua Tần.
Kể từ khi phát hiện đến nay, các nhà khảo cổ đã tiến hành nhiều cuộc khai quật tại lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Theo đó, họ tìm thấy hàng ngàn pho tượng binh sĩ đất nung có kích thước tương đương người thật cùng các bức tượng mô phỏng người nhào lộn, cỗ xe ngựa, vũ khí...
Trải qua 50 năm, nơi an nghỉ ngàn thu của Tần Thủy Hoàng vẫn là bí ẩn lớn với hậu thế khi các nhà khảo cổ mới chỉ khai quật một phần nhỏ lăng mộ. Trong khi đó, phần lớn lăng mộ, bao gồm phần mộ chính của Tần Thủy Hoàng vẫn chưa được mở ra.
Nhóm chuyên gia cho hay khu vực chưa được khai quật có lẽ chưa từng có người nào đặt chân vào trong hơn 2.000 năm qua kể từ khi Tần Thủy Hoàng được chôn cất ở nơi này.
Theo các chuyên gia, sở dĩ phần lớn lăng mộ của Tần Thủy Hoàng vẫn được niêm phong kín là vì một số lý do. Trong số này có việc họ lo ngại cuộc khai quật có thể gây ra hư hại nghiêm trọng cho ngôi mộ. Thậm chí, họ cảnh báo nếu liều lĩnh khai quật lăng mộ thì có nguy cơ cao gây ra thiệt hại "không thể khắc phục".
Các chuyên gia đưa ra dẫn chứng về cuộc khai quật tàn tích thành Troy nay thuộc thành phố Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc khai quật do nhà khảo cổ học Heinrich Schliemann tiến hành vội vàng đã phá hủy gần như toàn bộ công trình cổ xưa này.
Vì không muốn "đi vào vết xe đổ" đó, các chuyên gia Trung Quốc đã và đang nghiên cứu các kỹ thuật hiện đại để có thể khám phá lăng mộ của Tần Thủy Hoàng mà không gây hư hại cho công trình cổ xưa này. Do chưa tìm được phương án khả thi nên phần lớn lăng mộ vẫn được niêm phong.
Thêm nữa, các chuyên gia phát hiện sự tồn tại của "dòng sông thủy ngân" trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng giống như tài liệu do nhà sử học cổ đại Tư Mã Thiên viết. Nồng độ thủy ngân tại mộ cổ này cao hơn rất nhiều so với vùng đất bình thường.
Không những vậy, bên trong nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng có thể có những loại bẫy có thể giết chết bất cứ kẻ nào dám xâm phạm. Dù hơn 2.000 năm trôi qua thì một số cạm bẫy nguy hiểm có thể vẫn còn hoạt động.
Nếu các nhà khảo cổ liều lĩnh tiến vào phần mộ chính của Tần Thủy Hoàng thì có thể phải "trả giá đắt" đến từ "dòng sông thủy ngân" và các cạm bẫy chết chóc mà người xưa bố trí để bảo vệ giấc ngủ ngàn thu của hoàng đế.
Mời độc giả xem video: Hé lộ bí mật xác ướp thai phụ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.