Polyp được dùng để chỉ một cục hay một khối nhô cao trên niêm mạc dạ dày, chiếm khoảng 5 – 10% các u của dạ dày. Đôi khi một khối u mỡ hay một khối u cơ trơn phát triển trong thành dạ dày có thể lồi ra niêm mạc gây nên một tổn thương dạng polyp. Hầu hết polyp dạ dày được phát hiện tình cờ, song rối loạn tiêu hóa hoặc thiếu máu có thể gợi ý cho việc khám xét và phát hiện ra tổn thương. Polyp dạ dày được chia làm hai loại:
Polyp tăng sản: Đây là loại hay gặp nhất, chiếm trên 90% các trường hợp polyp dạ dày và thường thấy nhất trong viêm dạ dày mạn tính. Một người có thể có 1 hoặc nhiều polyp, có khi tới vài chục (gặp khoảng 20 – 25% các trường hợp), đa phần kích thước nhỏ dưới 1,5cm và không có cuống, 1 số ít kích thước lớn trên 2 cm và có thể tới 4 cm và có cuống rõ rệt. Đây là loại u không có tiềm năng ác tính.
Polyp u tuyến: Đây là một u thực sự chiếm 5 – 10% các tổn thương dạng polyp ở dạ dày. Tỷ lệ bệnh tăng theo tuổi, đặc biệt hay gặp ở tuổi trên 70 trở lên, nam nhiều hơn nữ (2/1). Polyp thường chứa đựng biểu mô loạn sản và phát triển nhanh. Vì vậy, được coi là loại có tiềm năng ác tính. Kích thước của polyp u tuyến thường trên 2 cm và lớn dần theo thời gian, có thể tới 3 – 4 cm hoặc hơn. Polyp có cuống hoặc không cuống nhưng phần lớn có chân đế rõ, thường gặp ở vùng hang vị và phần lớn chỉ có 1 polyp. Mặt polyp thường xung huyết và có những nhú nhỏ, phát triển trên nền niêm mạc dạ dày viêm mạn tính với dị sản ruột chiếm ưu thế. Vào thời điểm bệnh được chẩn đoán có tới 40% các u tuyến dạ dày có chứa 1 ổ ung thư biểu mô và nguy cơ ung thư của niêm mạc dạ dày sát với u có thể tới 30%.
ThS Trần Anh (Bệnh viện K)