Phân biệt bệnh bạch hầu họng với các chứng viêm họng, amidan thông thường

Bệnh bạch hầu rất giống với các bệnh đường hô hấp thông thường nên cần nhận biết, phân biệt để tránh biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Hiện nay, tình hình bệnh bạch hầu đang có những diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Điều nguy hiểm là các dấu hiệu ban đầu của bệnh bạch hầu rất giống với các bệnh đường hô hấp thông thường

Vậy làm thế nào để phân biệt các dấu hiệu của bệnh bạch hầu với những chứng bệnh viêm họng, amidan...?

Bệnh bạch hầu dễ bị nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường

Bệnh bạch hầu là bệnh cấp tính do vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra, thường xuất hiện ở hệ hô hấp gồm tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Ngoài ra cũng gặp trên da, kết mạc mắt, hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh có nguy cơ lây truyền cao trong cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em.

Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 đến 10 ngày, tùy thuộc vào tính chất của vi khuẩn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh bạch hầu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm và dẫn đến tử vong chỉ trong thời gian ngắn từ 7 đến 10 ngày.

Các triệu chứng của bệnh bạch hầu khá giống với bệnh viêm họng, viêm amidan thông thường nên nhiều người dễ bị nhầm lẫn, dẫn đến việc phát hiện muộn, gây ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị.

Bệnh bạch hầu họng dễ nhầm với các bệnh lý viêm họng - Ảnh minh họa BSCC

Bệnh bạch hầu họng dễ nhầm với các bệnh lý viêm họng - Ảnh minh họa BSCC

Điểm giống nhau giữa bệnh bạch hầu và viêm họng, amidan

Đầu tiên, bệnh bạch hầu và các bệnh viêm họng, viêm amidan đều có biểu hiện là sốt, nuốt đau, sưng đau hạch vùng cổ.

Để phân biệt bệnh bạch hầu họng và các bệnh viêm họng, viêm amidan thông thường cần căn cứ vào những triệu chứng cụ thể của từng bệnh lý.

Người mắc bệnh bạch hầu có một số dấu hiệu: Người bệnh sốt nhẹ; Đau họng, nuốt đau; Da xanh tái. Khám họng có giả mạc lan tràn ở một hoặc 2 bên Amydal; giả mạc lan trùm lưỡi gà và màn hầu; giả mạc lúc đầu trắng ngà, sau ngả màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách gây chảy máu. Giả mạc dai, không tan trong nước, niêm mạc quanh giả mạc bình thường.

Viêm họng mủ: Bệnh do các vi khuẩn trong họng như phế cầu, liên cầu gây ra. Người bệnh có các triệu chứng: Sốt cao đột ngột; Nuốt đau; Amydal hơi sưng; trong các hốc tuyến có các chất màu trắng; mủn; dễ bóc tách; không dính vào niêm mạc.

Viêm họng Vincent: Bệnh do xoắn khuẩn hình thoi Vincent gây nên, hay gặp ở trẻ vệ sinh răng miệng kém, thể trạng gầy yếu. Các dấu hiệu bao gồm:Trẻ sốt hoặc không sốt; Nuốt không đau; Loét 1 bên Amidal; trên phủ chất tráng xám; Tưa: Gặp ở trẻ còn bú do nấm Candida albican gây ra. Trẻ không sốt, bóc tưa dễ dàng; không chảy máu.

Viêm họng do một số nguyên nhân khác

Viêm họng do virus Herpes: thường có nốt Herpes ngoài da

Viêm họng trong bệnh thủy đậu: Có nốt thủy đậu ngoài da

Ảnh BSCC

Ảnh BSCC

Phân biệt lớp giả mạc ở bệnh bạch hầu và viêm họng , amidan thông thường

Về cơ bản chúng ta có thể phân biệt các bệnh lý vùng họng, amidan thông thường với bệnh bạch hầu thông qua lớp giả mạc.

Đây là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh bạch hầu. Giả mạc của bệnh nhân bạch hầu xuất hiện dày và bám chặt vào niêm mạc họng, gần như không tách ra được, nếu cố gắng tách sẽ bị chảy máu.

Ngược lại, giả mạc ở bệnh nhân viêm họng mỏng, dễ dàng lấy ra mà không gây chảy máu và không có màu sắc sẫm như bạch hầu.

Các triệu chứng khác như tình trạng sốt nặng hay nhẹ, các nốt ngoài da… cũng là dấu hiệu để phân biệt bệnh bạch hầu với những bệnh lý khác.

“Khi có các dấu hiệu nghi là bệnh bạch hầu hoặc có tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn thăm khám, xét nghiệm từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác làm cơ sở cho việc điều trị bệnh được kịp thời và hiệu quả nhất, tránh tình trạng tự điều trị bệnh tại nhà dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.”

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Lý, (Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ)

Theo Đời sống
back to top