Hơn 3 điểm mỗi môn đã được xét tuyển đại học
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, phổ điểm được đánh giá là “đẹp”, dễ cho các trường tuyển sinh, và theo đánh giá của nhiều trường đại học, điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ từ 1 – 2 điểm thì ở một số trường, ngưỡng nộp hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) vào trường lại “phá đáy”.
Cụ thể, tại Trường ĐH Bạc Liêu, hầu hết các ngành bậc ĐH năm nay có điểm sàn 13. Riêng hai ngành chăn nuôi và bảo vệ thực vật có điểm sàn chỉ 12 điểm. Điểm sàn nêu trên bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Nếu ở khu vực 1 (cộng 0,75 điểm) và nhóm ưu tiên (cộng 2 điểm), thí sinh sẽ được cộng 2,75 điểm.
Như vậy chỉ cần điểm thi 9,25 điểm (hơn 3 điểm/môn), thí sinh đã đủ điều kiện xét tuyển ĐH.
Tại ĐH Đà Nẵng, phần lớn các ngành của trường thành viên có điểm sàn từ 15 điểm trở lên, một vài đơn vị 14 điểm. Riêng phân hiệu tại Kon Tum, tất cả các ngành đều có điểm sàn xét tuyển 12,5.
Trường ĐH Nội vụ Hà Nội công bố điểm sàn của trường dao động 12-17. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP.HCM và Quảng Nam, với hầu hết các ngành mức điểm 12; 12,5; 13 và hai ngành 14 điểm.
Tại Trường ĐH Cửu Long, ngoại trừ hai ngành sức khỏe theo điểm sàn của bộ là 18, các ngành còn lại của trường đều có điểm sàn 12,5.
Các ngành đào tạo tại hai phân hiệu của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM ở Gia Lai và Ninh Thuận có điểm sàn chỉ từ 13. Còn phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị các ngành đều có điểm sàn 13, riêng ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 15 điểm.
Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên thông báo điểm trúng tuyển ĐH Khoa Quản lý tài nguyên với mức điểm thi THPT quốc gia là 13 điểm/tổ hợp 3 môn xét tuyển.
Ngay tại Hà Nội, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường cũng thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia từ 13 - 13,5 điểm (trừ ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên - với 15 điểm). Còn phân hiệu tại tỉnh Thanh Hóa mức “điểm sàn” là 13 điểm ở tất cả các ngành đào tạo.
Điểm đầu vào cao thể hiện chất lượng tuyển sinh tốt
Chia sẻ với PV Báo KH&ĐS về điểm xét tuyển đầu vào đại học, PGS.TS Vũ Quốc Chung, nguyên Vụ trưởng, Trưởng Ban điều hành Dự án phát triển GV THPT và TCCN, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP nói: Kết quả học tập phổ thông thể hiện trên nhiều phương diện, nhưng trước hết là ở điểm sàn đầu vào
Tuyển sinh vào một trường ĐH bất kỳ nào đó, kể cả trong nước lẫn nước ngoài, khi điểm chuẩn vào cao thì sẽ thể hiện chất lượng tuyển sinh tốt và chất lượng giáo dục đại học sẽ tốt.
Bởi vì, theo PGS.TS Vũ Quốc Chung, giữa kiến thức nghề nghiệp và kiến thức phổ thông có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các em có kiến thức phổ thông tốt sẽ là nền tảng cho việc học tập ở các cơ sở đào tạo nghề nghiệp.
Đặc biệt, kết quả thi THPT Quốc gia không chỉ thể hiện ở vấn đề điểm số mà chứa đựng trong đó cả cách học tập, thói quen học tập và các giá trị khác nữa.
Và nếu nhìn theo góc độ giáo dục dựa trên nền tảng phát triển năng lực, phẩm chất khi con người ta đã có kiến thức kỹ năng và kinh nghiệm, thái độ, giá trị ban đầu tốt thì vào đại học, cộng thêm được một môi trường đào tạo tích cực sẽ làm cho sinh viên huy động tổng hợp được những kiến thức kỹ năng giá trị thái độ đó để giải quyết những vấn đề mới về giáo dục nghề nghiệp trường đại học.
Khi đó, khả năng thành công sẽ nhiều hơn, vì sẽ tạo ra được kiến thức mới, kỹ năng, kinh nghiệm giá trị mới. Tất nhiên có những em ban đầu điểm chưa cao, sau có những bứt phá, nhưng số đó không nhiều, và nếu như bứt phá trên nền tảng đã có thì sẽ tốt hơn.
Từ những phân tích đó, PGS.TS Vũ Quốc Chung cho rằng, điểm đầu vào thấp sẽ đặt ra những lo ngại về chất lượng đào tạo cũng như đầu ra của sinh viên.
Đứng từ góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, việc quy định điểm sàn bao nhiêu là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, trao đổi với lãnh đạo của các trường này để đưa ra khuyến cáo kịp thời. Đồng thời công khai thông tin để dư luận và người học đánh giá, lựa chọn, đảm bảo chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống.
Cũng theo bà Phụng, thực tế tuyển sinh những năm qua, theo quy định của quy chế tuyển sinh, khi các trường phải công khai đề án tuyển sinh với đầy đủ thông tin thì phần lớn những trường lấy điểm sàn thấp đều có tỷ lệ tuyển sinh thấp.
Như vậy có thể thấy, người học đã biết lựa chọn những trường có uy tín, thương hiệu để học, chứ không phải vào đại học bằng bất cứ giá nào.
Còn theo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thì việc “phá đáy” điểm sàn của các trường ĐH sẽ giống như hành động “chết mòn”, về lâu dài, với điểm đầu vào như vậy, các trường ĐH sẽ rất khó để nâng cao chất lượng.
Bộ GD&ĐT vừa có quyết định thanh tra công tác tuyển sinh năm 2019 và sẽ tiến hành thanh tra tại 4 trường đại học từ ngày 1/8.
Thông tin từ ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, 4 trường đại học mà Bộ sẽ tiến hành thanh tra là: Trường ĐH Nội vụ Hà Nội; ĐH Lâm nghiệp, ĐH Hùng Vương TPHCM và ĐH Bạc Liêu.
Nội dung thanh tra tập trung vào việc đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng; việc xây dựng và thực hiện Đề án tuyển sinh năm 2019. Xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh...Tthời gian tiến hành thanh tra là 30 ngày kể từ khi công bố quyết định.
Việc thanh tra buộc tiến hành trong bối cảnh một số trường đại học thông báo mức điểm sàn đầu vào năm học 2019 thấp, có những trường có mức điểm sàn thấp dưới 14 điểm.