PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Mở lại trường học chưa phủ được văcxin sẽ có nguy cơ rất lớn

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiêm văcxin cho trẻ em trên 12 tuổi và dưới 18 tuổi. Nếu mở lại trường học mà chưa phủ được văcxin sẽ có nguy cơ rất lớn.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ông đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số ý kiến sau:

Tiêm văcxin cho trẻ em trên 12 và dưới 18 tuổi

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em đã tăng trong những ngày gần đây (như Thuận An trong ngày 2/10 là 10 em/198 bệnh nhân, chiếm khoảng 5%)

Nếu trẻ chưa tiêm văcxin, bệnh bị tăng nặng thậm chí có thể có tử vong sẽ làm bất ổn xã hội, giống như việc chúng ta đã bị mất khá nhiều phụ nữ mang thai bị mắc Covid trong thời gian vừa qua.

pgs.ts-nguyen-lan-hieu(1).jpg
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, rất nhiều quy định dự kiến ban hành đều có điều khoản 100% người tham gia phải được tiêm văcxin. Trẻ em sẽ bị cách biệt với thế giới, các sinh hoạt xã hội nếu chưa được tiêm văcxin.

Đặc biệt, chúng ta không thể duy trì học trực tuyến lâu dài. Nếu mở lại trường học mà chưa được phủ văcxin sẽ có nguy cơ rất lớn.

Từ những lý do đó, ông đề xuất Thủ tướng Chính phủ cần sớm triển khai tiêm văcxin cho trẻ em trên 12 tuổi và dưới 18 tuổi.

Xét nghiệm nên theo nguyên tắc

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, ông đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc xét nghiệm nên theo nguyên tắc, không cứng nhắc theo số lượng % mà cần theo diễn biến dịch của từng địa phương, mức độ lây nhiễm, tỉ lệ đã tiêm văcxin, số ổ dịch mới trong cộng đồng, số ca tăng nặng và giường điều trị còn trống trong bệnh viện...

Nên khuyến khích các cơ quan tự tổ chức xét nghiệm (có y tế hỗ trợ, hướng dẫn), cho người dân tự xét nghiệm (cơ quan chức năng hướng dẫn lấy mẫu, ví dụ như tham khảo clip tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

“Hiện nay ở các nước tiên tiến đã bán test nhanh rộng rãi, thậm chí ở Nhật đã bán ở máy bán hàng tự động đặt ngoài đường. Hơn nữa với tiến bộ khoa học tôi tin rằng việc lấy mẫu từ nước bọt sẽ ngày càng phổ biến. Trong tương lai gần, test nhanh kháng nguyên sẽ không cần “ngoáy mũi” nữa.

Khi lấy mẫu định kỳ cần lấy ngẫu nhiên, nhóm đại diện... ví như ngày mùng 1 lấy 1 người phân xưởng A, 1 thành viên trong gia đình, ngày mùng 2 lấy 1 người phân xưởng B…”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

test-covid-bang-nuoc-bot.jpg
Minh họa Test kháng nguyên lấy mẫu từ nước bọt tại Berlin. Nguồn ảnh: NVCC.

Cần huy động y tế tư nhân tham gia điều trị và quản lý người nhiễm Covid

Theo đó, cho phép các bệnh viện tư nhân điều trị thu phí dịch vụ theo quy định; Khám và quản lý người nhiễm theo các phòng mạch tư. Các bác sĩ sẽ theo dõi chính bệnh nhân cũ của mình, nắm chắc bệnh nền của họ nên việc điều trị sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế công cũng như ngân sách nhà nước.

Nên bắt đầu ngay việc xây dựng chuyên ngành Covid học một cách khoa học và bài bản

Theo đó, cần tạo các trung tâm điều trị chuyên khoa Covid-19, dừng dần mô hình 3 tầng bệnh viện, để các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh lập... điều trị các bệnh lý khác.

Rà soát trang thiết bị, thuốc men, oxy nhân lực... trung tâm điều trị Covid-19 chuyên biệt như đã làm ở Sài Gòn, Bình Dương, Hà Nam, Hà Nội.

Xây dựng tài liệu học tập, đào tạo chuyên sâu điều trị Covid-19 và các biến thể.

Nên có quản lý nhà nước như đã từng làm với đại dịch HIV như Cục cấp Bộ Y tế, ban cấp tỉnh, phòng Covid-19 cấp huyện và các tổ Covid-19 lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng cấp phường xã.

"Dùng khoa học và thực tiễn địa phương, quốc gia để tồn tại và phát triển với sự hiện diện của Covid-19 là hướng đi không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới ngày mai", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Theo Đời sống
back to top