PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Có lỗi ở cấp vĩ mô trong các bộ sách Tiếng Việt lớp 1 mới

(khoahocdoisong.vn) - PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cho biết, ông ngạc nhiên khi thấy, những bộ sách Tiếng Việt 1 mới khác cũng có lỗi, và có những lỗi lặp lại. Chứng tỏ, đây là lỗi ở cấp vĩ mô.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông.

Không chỉ có lỗi trong sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều

Lý do nào khiến ông tiếp tục đọc, xem xét các bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới khác, ngoài bộ sách Cánh Diều?

Theo dõi trên các phương tiện truyền thông tôi thấy, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, việc chỉ đưa ra nhận xét, đánh giá về bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều thì e chưa đủ khách quan, thậm chí, có người cho rằng, những ý kiến đưa ra nhằm muốn “đánh” một bộ sách vì lý do nào đó. Cho nên, tôi đành gác các việc khác để tiếp tục bỏ thời gian ra đọc. Tôi làm việc này cũng còn vì trách nhiệm xã hội, trong vai một công dân. Tôi muốn góp ý về mặt chuyên môn để các tác giả và toàn xã hội cùng bàn luận, sau đó đi tới một phương án hữu hiệu nhất.

Ông có đánh giá như thế nào sau khi đọc các bộ sách còn lại?

Phải nói là tôi hết sức ngỡ ngàng sau khi đọc các bộ sách còn lại. Hóa ra tất cả các bộ sách đều có lỗi. Có cuốn nghiêng về lỗi này, có sách nghiêng về lỗi kia, nhưng đều là có lỗi. Và có những lỗi lặp lại, giống nhau hàng loạt ở các bộ sách.

Ông có thể lấy ví dụ về điều này?

Rất nhiều. Nhưng tôi có thể lấy một số ví dụ điển hình. Chẳng hạn, ở bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, Trang 22, câu số 2 viết: “Nam nhờ chim bồ câu gửi thư làm quen một người bạn. Em hãy giúp Nam chọn từ ngữ phù hợp để Nam giới thiệu mình nhé”. Gửi thư bằng chim câu thường chỉ thực hiện trong thời chiến tranh cổ đại. Trong thời bình, nhất là với một em bé, thì việc này lại càng không xảy ra. Vậy, tại sao lại đưa một sự việc không có trong thực tế này vào bài dạy cho các em?

"Nam nhờ chim bồ câu gửi thư làm quen một người bạn. Em hãy giúp Nam chọn từ ngữ phù hợp để Nam giới thiệu mình nhé”.

"Nam nhờ chim bồ câu gửi thư làm quen một người bạn. Em hãy giúp Nam chọn từ ngữ phù hợp để Nam giới thiệu mình nhé”.

Ở trang 77 có yêu cầu: “Tìm trong hoặc ngoài bài đọc Nếu không may bị lạc từ ngữ có tiếng chứa vần im, iem, ep, ếp”. Vậy “ngoài bài đọc” ở đây là gì? Đây là cách nói rất tối nghĩa. Tại sao không dùng” trong đời sống hàng ngày?”, hoặc đơn giản hơn: Ngoài bài đọc, em còn biết từ nào có các vần: im,ep, ếp…? Sách dạy tiếng Việt 1 cần phải trong sáng, phù hợp vơi tư duy trẻ nhỏ. Viết như thế này rất rối rắm, gây khó cho học sinh và cả giáo viên.

Theo ông Đạt, viết Viết như thế này gây khó cho học sinh và cả giáo viên.

Theo ông Đạt, viết Viết như thế này gây khó cho học sinh và cả giáo viên.

Ở bài tập đọc "Cuộc thi tài năng rừng xanh" (trang 115) có đoạn: "Chim công khiến khán giả say mê, chuếnh choáng vì điệu múa tuyệt đẹp", thì từ “chếnh choáng” là chưa phù hợp, thường thường, không ai dùng “chếnh choáng” khi say điệu múa bao giờ. Ngoài ra, từ "niêm yết" trong bài đọc cũng quá khó với học sinh lớp 1.

Ở trang 65, bộ sách Chân trời sáng tạo có đoạn hội thoại: “Bé rủ chị qua chỗ có sư tử. Chị nhỏ nhẹ: “Ừ, bé chú ý nhé. Sư tử là thú dữ đó”. Lẽ ra, phải viết là “Bé rủ chị qua chỗ nhốt sư tử”, hoặc qua chỗ “có chuồng sư tử”. Chứ ra chỗ “có sư tử” thì nguy hiểm quá. Và thực tế, cũng không thể có chuyện “có sư tử” theo kiểu thả “tự do” như vậy để cho bé rủ chị qua xem.

Những cấu trúc câu kiểu “bò có nho” cũng giống như sách Cánh Diều, lặp lại ở nhiều bộ sách khác.

Đặc biệt, còn một lỗi đáng nói nữa, là các tranh vẽ minh họa cho các bài học cũng không đạt chất lượng, nội dung một đằng, tranh minh họa một nẻo, thiếu gắn kết hệ thống.

Vẽ bờ đê nhưng lại giống bờ kè, bờ đập.

Vẽ bờ đê nhưng lại giống bờ kè, bờ đập.

Ví dụ, vẽ bờ đê (bộ Chân trời sáng tạo) nhưng không ra bờ đê, lại ra bờ đập. Hoặc bài đọc nói về ngôi nhà “gỗ, tre mộc mạc” (bài tập đọc Ngôi nhà, sách Kết nối tri thức) nhưng hình minh họa lại là ngôi nhà tường trát vôi ve, mái ngói đỏ… Trong bài đọc có viết: “Em yêu tiếng chim, đầu hồi lảnh lót”, nhưng hình vẽ lại thể hiện đôi chim không phải ở đầu hồi, mà ở trước sân.

Bài tập đọc Ngôi nhà với hình minh họa không đúng nội dung.

Bài tập đọc Ngôi nhà với hình minh họa không đúng nội dung.

Hoặc ở bài “Sóng biển" (trang 29, sách Chân trời sáng tạo) có viết: “Đêm nào Na cũng nghe tiếng sóng biển vỗ òam oạp vào vách đá", nhưng tranh vẽ không thấy vách đá đâu.

Bài tập đọc Sóng biển và minh họa.

Bài tập đọc Sóng biển và minh họa.

Lỗi ở cấp vĩ mô

Việc lặp lại những lỗi ở tất cả các bộ sách, theo ông, lý do xuất phát từ đâu?

Tất cả những lỗi đó đều cho thấy những người làm sách thiếu vốn sống thực tế, cách làm ẩu, “tùy hứng”, thiếu sự nghiêm túc, cẩn trọng, yếu về trình độ tiếng Việt. Tuy nhiên, khi lỗi lặp lại ở cả 5 bộ sách thì thấy rằng, dường như, nguyên nhân lỗi  lại ở cấp vĩ mô, trong đó có vấn đề lý luận, phương pháp xây dựng SGK, vấn đề quản lý, tổ chức.

Ví dụ, vì sao các bộ sách đều lặp lại những cấu trúc câu khiến nội dung trở thành ngô nghê kiểu như “bò có nho”, “nghé có cỏ”? Các nhà biên soạn trả lời rằng, đó là do học sinh chưa học đến âm, vần đó thì phải “gò” vào các âm, vần đã học. Vậy thì đây là do quy định của GD&ĐT hay là quan điểm của các nhà biên soạn?

Nếu đây là quy định của Bộ GD&ĐT thì có thể nói đây là sự “ép khung”, đã khiến phát sinh những lỗi như vậy.

Ngoài ra, ở đây có vấn đề tổ chức và cách kiểm soát của Bộ GD&ĐT. Tôi cho rằng, Bộ đã thả nổi, không hề có sự kiểm soát chất lượng của các bộ sách. Bởi những lỗi mà tôi chỉ ra, rất dễ nhìn thấy, dễ phát hiện ra, có những lỗi không cần tới một người có chuyên môn như tôi. Vậy mà tại sao lại vẫn lọt qua bao nhiêu vòng xét duyệt?

Đặc biệt, có thể nói, ta không có một Tổng đạo diễn đủ tài để coi xét lại toàn bộ các khâu liên quan đến chất lượng của một bộ SGK.

Có một số nội dung ông cho rằng “lỗi”, ví dụ như liên quan đến sự “ép khung”, nhưng cũng có thể là sự áp dụng những thành tựu nghiên cứu mới trong giảng dạy không, thưa ông?

Theo tôi hiểu, giao tiếp chỉ thích hợp với dạy ngoại ngữ. Còn đối với người bản ngữ, nhất là trẻ em học lớp 1, vẫn phải dạy tiếng Việt bằng các kiến thức chuẩn mực ngay từ đầu. Đổi mới là cần thiết, nhưng không phải là sự áp dụng "sống sượng" những thành tựu nghiên cứu của nước ngoài vào mà phải biết lấy lại tinh hoa của một số phương pháp đã có.

Theo như ông nói, cả 5 bộ sách đều có lỗi sai, trong khi các học sinh vẫn đang học. Vậy sẽ phải xử lý việc này như thế nào?

Trước đây tôi nêu kiến nghị cần phải thu hồi. Nhưng nay, khi phát hiện ra các lỗi liên quan ở bậc vĩ mô, nếu thu hồi sẽ gây những xáo trộn quá lớn, thiệt hại cho con trẻ khi chúng ta đã đi qua gần hết học kỳ đầu. Vậy, phải quán triệt: có lỗi thì phải sửa, nhưng vấn đề là người viết phải thừa nhận lỗi sai và có cách sửa chữa tích cực đảm bảo chất lượng, tránh thiệt thòi cho trẻ.

Trước hết, Bộ GD&ĐT phải có lời xin lỗi trước nhân dân về việc đã làm một sản phẩm chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân. Sau đó, vấn đề mấu chốt phải tách ra, lỗi nào vi mô, lỗi nào vĩ mô. Những lỗi ở bậc vi mô sẽ sửa ở tầm vi mô. Còn ở bậc vĩ mô, nếu không kịp sửa ngay thì phải có phương hướng điều chỉnh. Nhưng dù là vi mô hay vĩ mô thì cũng cần phải làm một cách bài bản, cẩn thận. Chứ không thể sửa cho xong như phương án vừa rồi.

Trân trọng cảm ơn ông!

"Khi soạn sách Tiếng Việt cho trẻ em, theo tôi, chúng ta bỏ qua một khâu rất quan trọng, đó là bỏ qua khảo sát về mặt khoa học về vốn từ thực tế của các em. Hiện nay, vốn từ của trẻ em đã khác rất nhiều so với trước. Việc dạy cho trẻ em phải dựa trên cơ sở khoa học. Ví dụ, ở tuổi này, vốn từ các em là như thế nào, nên đưa vào bài tập đọc, tập viết như thế nào cho phù hợp. Như vậy, sẽ tránh được việc áp đặt tư duy, kiến thức của người lớn một cách “sống sượng” trong việc làm sách cho trẻ em", PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt.

Theo Đời sống
back to top