Đau: Nỗi sợ hãi ám ảnh gây nhiều tai biến
TS.Nguyễn Minh Lý, Chủ nhiệm Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, đau sau mổ không chỉ là nỗi sợ hãi ám ảnh của người bệnh mà còn là vấn đề luôn được các bác sĩ gây mê, phẫu thuật quan tâm vì đau ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý cũng như sự phục hồi của người bệnh sau mổ. Đau gây ra stress, rối loạn về nội tiết, chuyển hóa, hô hấp và tuần hoàn, làm chậm quá trình phục hồi sau phẫu thuật. Ngoài ra, đau sau mổ có thể gây ra tăng huyết áp, suy hô hấp... có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài những ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần, đau còn khởi phát hàng loạt các rối loạn như ức chế hô hấp, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, suy giảm miễn dịch, tăng đông máu… làm chậm phục hồi của bệnh nhân sau mổ. Đau gây ra những tai biến, phiền nạn, kéo theo nhiều rối loạn sau phẫu thuật thậm chí gây tử vong, đặc biệt ở các bệnh nhân có nguy cơ cao. Một số trường hợp sau mổ không được chống đau tốt có khả năng trở thành đau mạn tính kéo dài bệnh nhân sẽ phải chịu suốt đời, dù vết mổ đã lành.
Ngày nay, đau được coi là dấu hiệu sinh tồn thứ 5 trong y khoa cùng với thân nhiệt, nhịp tim, nhip thở, huyết áp nên rất cần theo dõi và kiểm soát. Chống đau sau phẫu thuật được coi là một khâu căn bản trong chiến lược đa chuyên khoa “hồi phục sớm sau phẫu thuật” ERAS.
Hơn nữa, giảm đau sau mổ còn mang ý nghĩa nhân đạo, nhằm giúp bệnh nhân mau phục hồi, tránh biến chứng và yên tâm khi đến bệnh viện để phẫu thuật. Trong tuyên bố Montreal năm 2011 cũng khẳng định điều trị đau sau phẫu thuật được coi là quyền con người. Vì thế, chống đau càng trở thành yêu cầu cấp thiết và bắt buộc cho tất cả bệnh nhân sau phẫu thuật.
Thủ thuật để đặt PCA |
Tự kiểm soát đau đảm bảo an toàn
BS Nguyễn Trương Thọ, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện TWQĐ 108 có nhiều phương pháp để giảm đau sau mổ: giảm đau toàn thân, giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng, giảm đau bằng phương pháp PCA, gây tê vùng và gây tê tại chỗ. Trong đó phương pháp tiên tiến nhất là giảm đau bằng PCA (thiết bị dùng để giảm đau do bệnh nhân tự kiểm soát) để giảm đau sau mổ.
Theo đó, mỗi bệnh nhân sau mổ sẽ được đeo một thiết bị nhỏ gọn có phần mềm điện tử bên trong có túi chứa thuốc giảm đau, các bác sĩ sẽ đặt đường dẫn thuốc vào những vùng cần giảm đau và cài đặt chương trình điều khiển phù hợp cho từng người bệnh. Người bệnh sẽ tự điều trị đau cho chính mình, sau mỗi lần bấm nút máy sẽ tự bơm vào cơ thể một liều thuốc giảm đau an toàn mà không cần chờ gọi điều dưỡng hay bác sĩ. “Đây là phương pháp an toàn, lượng thuốc phù hợp với ngưỡng đau của từng người bệnh, không sợ thiếu hoặc quá liều” BS Thọ chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Minh Lý cho biết, hiện khoa đã triển khai nhiều gói giảm đau sau mổ phù hợp cho các chuyên khoa phẫu thuật như bụng, lồng ngực, sản khoa, chấn thương, cột sống , tiết niệu, cũng như chống đau sau can thiệp nút mạch, chống đau cho bệnh nhân ung thư. Sau mổ bệnh nhân có thể tập vận động sớm, tập thở, tập đi lại hoặc lý liệu sớm mà không đau, cả bệnh nhân, bác sỹ và điều dưỡng đều rất hài lòng.
Bệnh nhân Nguyễn Thế S. (Hà Nội) được phẫu thuật giải ép cố định cột sống ngày 21/11/2018 được áp dụng phương pháp giảm đau PCA cho biết, anh không cảm thấy một chút đau đớn nào sau mổ, anh cũng có thể vận động được sớm ngay ngày thứ 2. Anh rất vui mừng vì không đau đớn, ra viện sớm và phục hồi nhanh.
PCA là phương pháp giảm đau hiện đại được nhiều nước trên thế giới áp dụng. PCA có ưu điểm là đạt được mức giảm đau mong muốn với liều thuốc giảm đau tối thiểu, tùy thuộc ngưỡng đau của từng bệnh nhân mà không gây ra hiện tượng quá liều hoặc không đủ liều thuốc giảm đau. Tuy nhiên với phương pháp này chống chỉ định với bệnh nhân: không tỉnh táo, hôn mê, thở máy kéo dài; Có dị ứng hoặc CCD với các thuốc định dùng để giảm đau.