<div> <p style="text-align: justify;">Tờ New York Times của Mỹ hôm nay công bố kết quả điều tra về mức độ nhiễm chì tại thủ đô Paris của Pháp sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà hồi tháng 4. Điều tra được New York Times thực hiện dựa trên các tài liệu bí mật, bao gồm cảnh báo của thanh tra lao động, báo cáo của cảnh sát và các phép đo chì chưa từng được Bộ Văn hóa Pháp, cơ quan chịu trách nhiệm làm sạch hiện trường và tái thiết Nhà thờ Đức Bà, công bố.</p> <p style="text-align: justify;">Ngọn lửa ngày 15/4 gần như phá hủy nhà thờ 850 năm tuổi, một viên ngọc quý của kiến trúc Gothic được khoảng 13 triệu người ghé thăm mỗi năm. 5 tháng sau vụ cháy, nhà chức trách Pháp vẫn từ chối công bố đầy đủ kết quả xét nghiệm nhiễm chì, khiến công chúng hoang mang.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Khói và bụi bốc lên từ hiện trường vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp hôm 15/4. Ảnh: AFP." src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/15/chay-nha-tho-7280-1568479975.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;">Khói và bụi bốc lên từ hiện trường vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp hôm 15/4. Ảnh: <em>AFP</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Theo kết quả điều tra, 460 tấn chì đã bị nhấn chìm trong ngọn lửa khi phần mái và tháp nhọn của nhà thờ bị thiêu trụi, đe dọa sức khỏe cộng đồng và làm dấy lên lo ngại ở Paris suốt mùa hè. Mức độ ô nhiễm ở những khu vực gần nhà thờ và các trường học, trung tâm giữ trẻ cùng các vùng khác của Paris đều lên mức báo động do bụi độc hại.</p> <p style="text-align: justify;">Khi lửa hoành hành và mái nhà sụp đổ, chì bao phủ mái nhà và tháp nhọn đã bị phân tán thành bụi. Mức độ bụi chì lắng đọng gần nhà thờ cao hơn tới 1.300 lần so với hướng dẫn an toàn của Pháp. Chì lan rộng khắp trung tâm Paris, đọng lại trong các trường học, công viên và những khu vực công cộng khác.</p> <p style="text-align: justify;">Một phân tích của New York Times cho thấy hơn 6.000 trẻ em dưới 6 tuổi sống trong khu vực có mức độ nhiễm chì báo động. 48 giờ sau vụ cháy, chính phủ Pháp xác định phơi nhiễm chì là vấn đề nghiêm trọng nhưng một tháng sau họ mới tiến hành kiểm tra mức độ chì tại một trường học gần nhà thờ. Thậm chí đến hiện tại, quan chức y tế thành phố và khu vực vẫn chưa kiểm tra mọi trường học gần nhà thờ.</p> <p style="text-align: justify;">Các thử nghiệm cho thấy mức độ bụi chì cao hơn tiêu chuẩn quy định của Pháp tại ít nhất 18 trung tâm chăm sóc trẻ, trường mầm non và tiểu học. Tại hàng chục nơi công cộng khác như quảng trường và đường phố, chính quyền phát hiện mức độ chì cao hơn 60 lần so với tiêu chuẩn an toàn. Ô nhiễm đất trong công viên cũng có thể là một trong những mối lo ngại lớn nhất.</p> <p style="text-align: justify;">Theo tài liệu mật của Bộ Văn hóa Pháp mà New York Times có được, mức độ ô nhiễm cao nhất là tại các điểm khác nhau trong hoặc gần khu vực nhà thờ. Chính quyền đã không làm sạch toàn bộ khu vực ngay sau khi xảy ra hỏa hoạn và mất 4 tháng để hoàn thành việc khử độc toàn bộ khu phố.</p> <p style="text-align: justify;">Bộ Văn hóa cũng không thực thi quy chuẩn an toàn cho công nhân làm việc tại hiện trường vụ cháy, khiến họ tiếp xúc với mức độ chì cao hơn 1.000 lần so với tiêu chuẩn được chấp nhận.</p> <p style="text-align: justify;">Phơi nhiễm chì có nguy cơ lớn nhất đối với trẻ em, đặc biệt trẻ em dưới 6 tuổi, cũng như phụ nữ mang thai và cho con bú, những người có thể truyền chì sang con của họ. Trẻ bị nhiễm độc chì sẽ có hệ thần kinh phát triển không bình thường, có thể bị tổn thương nhận thức vĩnh viễn, gây ra các vấn đề về chỉ số thông minh, khó đọc và xu hướng hành vi hung hăng.</p> <p style="text-align: justify;">Mặc dù vậy, hàng trăm trẻ em đã đến trường học gần Nhà thờ Đức Bà suốt nhiều tuần trước khi chính quyền bắt đầu kiểm tra mức độ chì hoặc khử độc các tòa nhà vào giữa tháng 5.</p> <p style="text-align: justify;">Hiện vẫn chưa rõ tại sao tất cả trường học trong khu vực không được kiểm tra sớm hơn. Nhiều kết quả kiểm tra chỉ được công bố sau khi công chúng gây áp lực. Hồi cuối tháng 7, một nhóm môi trường Pháp đệ đơn kiện chính phủ về phản ứng chậm trễ.</p> <p style="text-align: justify;">Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Anne Souyris, phó thị trưởng phụ trách y tế công cộng ở Paris, cho biết chính quyền địa phương không công khai kết quả xét nghiệm vì họ muốn phối hợp với quan chức nhà nước. "Quan chức nhà nước lo ngại sẽ khiến người dân sợ hãi. Họ cho rằng họ sẽ bảo vệ người dân bằng cách không công bố vấn đề", bà cho hay.</p> <p style="text-align: justify;">(Theo <em>New York Times</em>)</p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>