<div> <p>Sáng 2/4, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng và nghe Chủ tịch nước báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu về nội dung này, Quốc hội đã bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức danh Thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/02/znews-photo-zadn-vn_nxp_zing_1.jpeg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Quốc hội sáng 2/4 miễn nhiệm chức danh Thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: <em>Thuận Thắng.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Kết quả kiểm phiếu cho thấy đa số đại biểu bỏ phiếu tán thành việc miễn nhiệm người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV. Người thay thế ông Phúc sẽ được Quốc hội bầu vào ngày 5/4.</p> <p>Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 với ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 92,92% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Thủ tướng mới.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="mien nhiem Thu tuong Nguyen Xuan Phuc anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/02/znews-photo-zadn-vn_1b1834c3b7d645881cc7_zing.jpeg" title="miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa cho ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức danh Thủ tướng. Ảnh: <em>Hải Quân.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Nhân sự thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ chưa được cơ quan có thẩm quyền tiết lộ. Song, trong danh sách sơ bộ nhân sự được các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy có một số thay đổi. Đáng chú ý, trong 15 người được giới thiệu ứng cử ở khối Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính (Trưởng ban Tổ chức Trung ương).</p> <p>Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.</p> <p>Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 và trở thành vị Thủ tướng thứ 9 trong lịch sử, tính từ năm 1945 đến nay.</p> <p>Phát biểu nhậm chức khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc cam kết nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.</p> <p>Ông nhận định lúc ấy đất nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Vì thế, Việt Nam cần phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, vì lợi ích quốc gia dân tộc, để phát triển nhanh và bền vững, xây dựng đất nước giàu mạnh, có vị trí ngày càng cao trên trường quốc tế.</p> <p>Tuyên bố của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng lúc đó được nhiều người chú ý, đó là Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... Đặc biệt, cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội.</p> <p>Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc - trên cương vị Thủ tướng, cho biết lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” giai đoạn 2016-2020 để làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.</p> <p>Cũng theo ông, trong suốt nhiệm kỳ, "con tàu Việt Nam vượt qua hải trình dồn dập bão tố", vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ.</p> <p>Chính phủ khóa XIV đã nỗ lực tạo đột phá về kết cấu hạ tầng với việc hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước; đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt 3 sân bay: Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất.</p> <p>Cùng với đó, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 vào năm 2020, GDP vẫn tăng 2,91% - là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á.</p> <p>Với sự nỗ lực của Chính phủ và điều hành của Thủ tướng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%; bình quân 2016-2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.</p> <p>Trong 5 năm qua, Việt Nam đã tạo ra khoảng <abbr class="rate-usd">1.300 tỷ USD</abbr> giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.</p> <div class="notebox ncenter"> <p>Trong ngày 2/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng.</p> <p>Theo dự kiến, nhân sự được giới thiệu bầu Chủ tịch nước thay ông Nguyễn Phú Trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc.</p> <p>Theo thông lệ, các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ lần lượt được kiện toàn, nhưng do đây là lần đầu tiên Thủ tướng đương nhiệm được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước nên việc miễn nhiệm Thủ tướng phải được thực hiện trước khi miễn nhiệm Chủ tịch nước.</p> <p>Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích thay đổi này nhằm tránh tình trạng "tân Chủ tịch nước miễn nhiệm chức Thủ tướng mà mình giữ trước đó".</p> </div> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>