<div> <p>Theo kế hoạch xét xử, phiên tòa diễn ra trong hai tuần, kéo dài đến ngày 31-12. Tuy nhiên, phiên tòa diễn biến nhanh hơn dự kiến, hôm qua (17-12) các vị luật sư đã bắt đầu tham gia xét hỏi.</p> <p align="center"><img alt="Ông Nguyễn Bắc Son từ chối trả lời luật sư bào chữa - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/04/nguyen-bac-son2_niyh.jpg" /><br /> <em class="image_caption">Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại tòa. Ảnh: ĐỨC MINH</em></p> <p> Luật sư Phạm Công Hùng hỏi thân chủ, ông Nguyễn Bắc Son:</p> <p><em> . Bị cáo có đồng ý với nhận định trong bản cáo trạng cho rằng bị cáo là người chỉ đạo quyết liệt MobiFone thực hiện ngay dự án trong năm 2015 hay không?</em></p> <p> Ông Son đáp: Tôi không có bút phê hay chỉ đạo nào quyết liệt cả. Bị cáo đều chỉ đạo theo chức năng của mình trong quá trình triển khai chứ không có bút phê nào quyết liệt buộc phải hoàn thành trong năm 2015.</p> <p><em>. Giai đoạn cách ly bị cáo tại phiên tòa, các bị cáo khác có khai vai trò chỉ đạo của bị cáo rất rõ ràng. Cụ thể, các bị cáo khác đều là người thực hiện hành vi bị truy tố vì thực hiện chỉ đạo của bị cáo?</em></p> <p>+ Với vai trò là bộ trưởng, tôi chịu trách nhiệm chỉ đạo chung, còn đi vào từng việc cụ thể bị cáo đã có từng bút phê cụ thể trong các văn bản. Các bút phê của tôi với tinh thần tôn trọng các cơ quan tham mưu, tôn trọng cấp phó của mình. Cơ quan tham mưu đề nghị, nếu tôi thấy phù hợp thì đồng ý chứ không chỉ đạo buộc cấp phó hay cơ quan tham mưu phải thực hiện theo ý đồ của mình.</p> <p><em>. Có phải tất cả lời khai của bị cáo đều thể hiện việc thực hiện dự án do từ MobiFone đề xuất lên, qua hệ thống quản trị của Bộ TT&TT. Bị cáo là người đồng ý chứ không chỉ đạo?</em></p> <p>+ Dự án này xuất phát từ nhu cầu, chức năng, nhiệm vụ của MobiFone. MobiFone đã chủ động đề nghị được đầu tư dự án này. Quá trình đó toàn bộ các văn bản do Bộ TT&TT giải quyết đều trên cơ sở đề nghị của MobiFone, không phải do Bộ TT&TT chỉ đạo buộc MobiFone phải làm.</p> <p><em>. Tại biên bản hỏi cung ngày 26-2-2019, điều tra viên hỏi "ai là người đứng đầu, chủ mưu, cầm đầu phải chịu trách nhiệm?". Bị cáo trả lời "tôi là người đứng đầu, người chủ mưu, người cầm đầu". Nhưng tôi không thấy giải thích thế nào là người cầm đầu, chủ mưu. Bị cáo có được điều tra viên phân tích như thế nào là người cầm đầu, chủ mưu trong vụ án hình sự không? Đứng đầu và cầm đầu, chủ mưu là hai khái niệm khác nhau?</em></p> <p>“Có những thuật ngữ, với vị trí, vai trò của bị cáo, bị cáo quá hiểu thế nào là chủ mưu, thế nào là cầm đầu” - thẩm phán Trương Việt Toàn ngắt lời.</p> <p>Nghe vậy, luật sư Hùng đề nghị HĐXX cần tạo điều kiện cho ông thực hiện nghĩa vụ của mình trước tòa.</p> <p>Ông Son đáp: Tôi luôn khai tôi là người giữ cương vị cao nhất, là người đứng đầu trong quá trình chỉ đạo vụ việc này. Luật sư đọc lại hôm nay tôi mới biết được việc này. Sức khỏe của tôi không tốt lắm, đây là điều tra viên hỏi rồi tự viết vào, tôi ký xác nhận thôi.</p> <p>Nếu không tin HĐXX lấy lại các bản ghi âm có phần trả lời của tôi, tôi nhớ tôi mới đọc BLTTHS khoản 6 Điều 183 quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Chắc chắn lời khai của tôi không đúng như vậy. Tôi khai tôi là người đứng đầu, không phải người cầm đầu.</p> <p><em>. Đến bây giờ bị cáo có hiểu được thế nào là người cầm đầu, chủ mưu trong vụ án hình sự không?</em></p> <p>+ Đến bây giờ tôi hiểu ra người đứng đầu khác người cầm đầu. Tôi là người đứng đầu trong vụ việc này, chứ không phải người cầm đầu, chủ mưu. Trong này không có ai là chủ mưu cả, đều là MobiFone đề nghị theo nhu cầu của MobiFone, Bộ TT&TT thực hiện theo chức năng được giao… Không có ai là chủ mưu buộc phải làm thế này, buộc phải làm thế kia. Theo tôi là như vậy. </p> <p>HĐXX có hết hồ sơ vụ việc rồi, ở đây không có ai là chủ mưu cả. Kể cả anh Trà cũng không phải…</p> <p><em>. Bị cáo thừa nhận vai trò là người đứng đầu, không thừa nhận vai trò là người chủ mưu?</em></p> <p>+ Đúng vậy.</p> <p><em>. Bị cáo còn giữ nguyên câu trả lời đã nhận 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ không?</em></p> <p>+ Tôi giữ nguyên.</p> <p><em>. Tất cả lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra, vì sao có sự mâu thuẫn nhau?</em></p> <p>“Bị cáo đã trả lời HĐXX rồi thì không cần thiết phải trả lời luật sư nữa. Trả lời lần trước, lần sau chỉ khác nhau dấu phẩy đã được hiểu sang nghĩa khác rồi” - thẩm phán Trương Việt Toàn ngắt lời.</p> <p>Ông Son tiếp tục trả lời: Do sức khỏe nên các lời khai có thể khác nhau.</p> <p><em>. Luật sư vào gặp bị cáo, không có hỏi đáp, chỉ có trao đổi lại biến thành bản cung có hỏi đáp. Vì sao bị cáo lại ký?</em></p> <p>+ Do sức khỏe của tôi. Hôm đó không hỏi gì. Nếu HĐXX không tin thì nghe lại băng ghi âm.</p> <p><em>. Quá trình điều tra, bị cáo có được tiếp cận tất cả lời khai của bị cáo Vũ liên quan đến xác nhận số tiền đã đưa cho bị cáo?</em></p> <p>+ Tôi chưa được tiếp cận.</p> <p>Tiếp đó, người bào chữa thứ hai cho ông Son, luật sư Lê Đình Ứng đặt hai câu hỏi cho thân chủ. “<em>Khi ông khai nhận 3 triệu USD, cơ quan điều tra có tổ chức thực nghiệm điều tra không? Ông khai cất 3 triệu USD trong hai chiếc valy, valy đó ai mua, vào thời điểm nào?”</em>. Tuy nhiên, cả hai câu hỏi này ông Son đều xin phép không trả lời.</p> <div> <table align="center" cellpadding="0" cellspacing="5"> <tbody> <tr> <td style="background-color: #eee;"> <p><b>Ông Nguyễn Bắc Son bị “tố” làm lộ tài liệu tối mật</b></p> <p>Tiếp tục diễn biến phiên tòa chiều qua, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT) khai: Đầu tháng 3-2015, ông được ông Nguyễn Bắc Son gọi đến phòng làm việc và cho xem hai công văn tối mật. Đó là công văn do thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký gửi Bộ Công an và công văn phản hồi của bộ này về đề nghị của AVG xin được hướng dẫn không bán cho doanh nghiệp nước ngoài.</p> <p>“Theo quy định, tôi là người không liên quan, không thuộc chức năng, nhiệm vụ thì không được biết, được đọc và lưu trữ văn bản này” - ông Trọng khai tại tòa.</p> <p>Ông Trọng khai tiếp, tại cuộc gặp đó ông được bộ trưởng Son thông báo hai nội dung. Thứ nhất, Bộ TT&TT đã hướng dẫn AVG không bán cho công ty nước ngoài theo đúng ý kiến của Bộ Công an, cũng như đã giới thiệu AVG cho MobiFone.</p> <p>Nội dung thứ hai, Bộ Công an đề nghị quá trình thực hiện không tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu nhầm là quốc hữu hóa. Nội dung này chưa được thực hiện nên ông Son yêu cầu ông về làm dự thảo công văn xin ý kiến Bộ Công an để đưa danh mục MobiFone mua AVG vào danh mục thuộc diện bí mật của Nhà nước.</p> <p>Cũng tại phiên tòa, ông Phạm Đình Trọng khai các phiếu trình trong hồ sơ dự án đều thể hiện ông đã báo cáo trung thực và đầy đủ về mọi thông tin liên quan đến dự án này. </p> <p>“Đặc biệt, nhiều lần tôi báo cáo rất rõ những băn khoăn của mình về giá mua AVG. Dù không có chức năng về thẩm định giá nhưng tôi vẫn băn khoăn về nội dung này. Nhưng bốn, năm lần trình lên, bộ trưởng Son đều gạch đi. Nếu như những nội dung tôi kiến nghị được bảo lưu, được giữ lại thì sẽ không có vụ án này, tôi cũng không phải đứng ở đây”<a href="https://plo.vn/phap-luat/ong-nguyen-bac-son-tu-choi-tra-loi-luat-su-bao-chua-878339.html"> - ông Trọng nói. </a></p> </td> </tr> </tbody> </table> </div> </div> <p> </p>