<div> <p>Chiều 8/7, Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết cơ quan này đã nhận đơn tố cáo của anh Trần Văn Sáu (con trai cụ Trần Văn Thêm - người mang phận tử tù oan suốt 43 năm), đề nghị điều tra việc bố anh được bồi thường <abbr class="rate-vnd">6,7 tỷ đồng</abbr> nhưng chỉ mang về hơn 2 tỷ.</p> <p>Theo đơn, hồi tháng 6, TAND Cấp cao tại Hà Nội hoàn tất việc chi trả tiền bồi thường oan sai <abbr class="rate-vnd">6,7 tỷ đồng</abbr> cho ông Thêm do phải chịu án oan và ngồi tù 5 năm 6 tháng 7 ngày về tội Giết người và Cướp tài sản.</p> <p>Sau khi được bồi thường, ông Thêm được luật sư giao các sổ tiết kiệm, mỗi cuốn trị giá 500 triệu đồng.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Ong lao oan sai duoc boi thuong 6,7 ty nhung chi mang ve 2 ty? hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/07/08/them_zing(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Ông Trần Văn Thêm. Ảnh: <em>Hoàng Lam.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Trong đơn tố cáo, anh Sáu trình bày trong số các cuốn sổ đó, luật sư Nguyễn Văn Hoà (Công ty luật Hoà Lợi, người được ông Thêm ủy quyền) giữ một cuốn. Ngoài ra, anh Trần Văn Được (cháu họ ông Thêm) xin ông Thêm một sổ. Do đó, ông Thêm chỉ mang về nhà 4 sổ và 100 triệu đồng.</p> <p>Cho rằng vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tiền bồi thường, anh Sáu đã đề nghị công an điều tra, làm rõ.</p> <p>Chia sẻ với <em>Zing.vn</em>, anh Trần Văn Được cho hay bản thân là người theo sát vụ việc, kể từ khi ông Thêm đi kêu oan. Sau khi người ngồi tù oan nhận được khoản bồi thường, ông đã cho anh Được gần một tỷ đồng.</p> <p>Tiếp đó, ông cụ nhờ luật sư Hòa "giữ hộ" 500 triệu để lo các chi phí như tiền thuế. Các sổ tiết kiệm còn lại đều đứng tên ông Trần Văn Thêm. "Hiện cụ vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn nên cụ đang quản lý khoản tiền bồi thường", anh Được cho biết.</p> <p>Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hòa khẳng định ông đã bàn giao toàn bộ số tiền bồi thường cho thân chủ 84 tuổi. Việc giao tiền diễn ra dưới sự chứng kiến của anh Được.</p> <p>Về cuốn sổ tiết kiệm trị giá nửa tỷ, vị luật sư nhấn mạnh ông Thêm tự nguyện nhờ ông Hòa cầm giúp để lo các chi phí phát sinh sau này.</p> <div> <p>Theo nội dung vụ việc, khuya 23/6/1970, ông Thêm và em trai vào ngủ trong chòi cắt tóc ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phú khi đó, nay là Hà Nội). Khoảng 1h ngày hôm sau, cả 2 bị ai đó đánh vào đầu. Sự việc khiến em trai ông Thêm tử vong.</p> <p>Cơ quan tố tụng cho rằng ông Thêm là hung thủ giết người. Tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông.</p> <p>Một năm sau, cấp phúc thẩm tuyên y án ông Thêm về tội Giết người và Cướp tài sản. Năm 1974, Công an Vĩnh Phú điều tra lại vụ án. Kết quả khai quật hộp sọ người chết cho thấy không đủ chứng cứ kết tội ông Thêm.</p> <p>Cùng thời gian đó, tại trại giam Phố Lu (tỉnh Lào Cai), phạm nhân Phan Thanh Nhàn khai đã sát hại em trai ông Thêm. Công an sau đó thu được chiếc búa hung khí, khớp với lời khai của Nhàn.</p> <p>Đêm 30 Tết năm 1976, ông Thêm được cấp giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương. Thời điểm đó, ông đã tù oan hơn 2.000 ngày.</p> <p>Sau khi được thả tự do, khoảng 1 tháng sau ông Thêm nhờ người làm đơn kêu oan. Ngày 11/8/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai đối với ông lão.</p> </div> <br /> </div> <p> </p>