Từ kỹ sư điện đến “Vua hoa lan”
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện, kỹ sư Nguyễn Văn Kính đã trải qua nhiều nghề, trong đó có làm báo, rồi may mắn thành công nhờ bất động sản. Suốt quá trình này, ông chưa từng nghĩ tới việc gắn bó với nông nghiệp. Mọi thứ thay đổi bắt đầu khi ông Kính đi giải tỏa mặt bằng cho khu công nghiệp, ông luôn trăn trở với câu hỏi: “Nông dân sẽ làm gì sau khi cầm tiền đền bù mà mất sinh kế, không còn bờ xôi ruộng mật?”.
Mang thắc mắc này tới hỏi ông Nguyễn Công Tạn - khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Kính nhận được câu trả lời đã làm thay đổi tương lai của ông: “Phải làm nông nghiệp công nghệ cao!”. Và thế là từ năm 2003, kỹ sư ngành điện chuyển hướng sang đầu tư cho nông nghiệp. Bao nhiêu vốn liếng tích góp được, ông dốc hết vào trồng hoa hồng với khí thế khởi nghiệp hừng hực. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, ông Kính đã thất bại. Cả vài chục tỷ đồng bỗng chốc ném xuống sông.
Không nản lòng, ông Kính tin con đường mình chọn là đúng, chỉ sai về phương pháp thực hiện. Sau quá trình tìm hiểu, ông Kính quyết định trực tiếp sang Đài Loan (Trung Quốc) để học bằng được bí quyết trồng hoa sử dụng công nghệ cao. Trời không bạc đãi người có tâm, chỉ sau vài năm, ông Kính bắt đầu thắng lớn.
Có giai đoạn, lãnh đạo nhiều địa phương phía Bắc đổ về công ty của ông tại Bắc Ninh nghiên cứu mô hình trồng hoa để phổ biến cho người dân. Dù lợi nhuận từ hoa hồng và một số loài hoa phổ thông khá cao, song vẫn chưa đạt ngưỡng kỳ vọng, ông Kính quyết định chuyển sang nghiên cứu trồng loài hoa “quý tộc” là lan hồ điệp. Ban đầu, Công ty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) chỉ trồng được loại lan hồ điệp thấp cấp thân nhỏ, hoa nhỏ, bộ lá ít, yếu, chơi chỉ được tầm hơn 1 tháng.
Từ năm 2017, ông Kính bắt tay đầu tư trồng lan hồ điệp chất lượng cao. Hàng chục tỷ đồng đầu tư cho nhà kính, giống tốt, chăm sóc đúng quy trình vẫn chưa thể cho ra những giò lan hồ điệp như ý muốn. Vài chục tỷ đồng khác tiếp tục được đầu tư, nhưng lần này thận trọng hơn khi ông Kính sang Đài Loan (Trung Quốc) ký hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với nhà sản xuất lan hồ điệp hàng đầu hòn đảo này khi đó.
Hai năm sau, những thành quả đầu tiên bắt đầu đơm trái ngọt, Công ty Toàn cầu đã cho ra những giò lan hồ điệp cao cấp trên đất Việt, với thân to, lá xanh mướt và cánh hoa to, màu sắc rực rỡ, đảm bảo chơi được 2 - 3 tháng, chất lượng tương đương hoặc hơn lan hồ điệp cao cấp nhập từ Đài Loan (Trung Quốc). Ông Kính nhớ lại, hội chợ hoa năm ấy, trong 1 ngày, ông đã bán hết số lan hồ điệp dự tính bán trong 5 ngày.
Tết Nhâm Dần này, ông Kính chuẩn bị đưa ra thị trường khoảng 300.000 giò lan hồ điệp với 30 màu khác nhau, phục vụ nhu cầu chơi Tết của khách hàng. Hiện nay, lan hồ điệp của Công ty Toàn Cầu “đẹp và hot nhất thị trường Việt Nam”, hơn hẳn cây Trung Quốc về chất lượng với thời gian chơi từ 2 - 3 tháng.
Ông Kính chia sẻ, muốn phân biệt phẩm chất của lan hồ điệp có thể đánh giá qua lá, rễ và hoa. Những cây dài, thân to, lá nhiều và có từ 24 - 30 bông được bán với giá trên dưới 1 triệu đồng/cây. “Về hiệu quả kinh tế, lan hồ điệp có thể đứng đầu trong số những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao”, ông Kính khẳng định.
Nếu mỗi ha đất nông nghiệp cho thu nhập bình quân 100 - 150 triệu đồng/năm, thì một ha trồng lan hồ điệp cho thu nhập ròng không dưới 3 tỷ đồng mỗi năm. Thậm chí, nếu ứng dụng công nghệ tốt, thu nhập từ trồng lan hồ điệp có thể lên tới 4 tỷ đồng/năm.
Chưa dừng lại ở trang trại trồng lan trị giá hàng nghìn tỷ đồng
Ánh mắt rạng rỡ, tràn đầy vẻ tự hào, ông Nguyễn Văn Kính giới thiệu về khu trang trại trồng hoa lan lớn thuộc loại nhất châu Á của mình tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Trang trại được quy hoạch gọn gàng, khoa học thành các khu phức hợp, mỗi khu có các phòng nuôi cấy mô, phòng lab tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt như phòng mổ bệnh viện, nhà kính có thể tùy ý điều chỉnh chính xác nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm.
Phòng nuôi cấy mô được xây dựng như một phòng nghiên cứu với mỗi kỹ thuật viên/máy. Cây giống phải trải qua 18 tháng nuôi trồng trong khu nhà kính. Giải thích về hệ thống đèn chiếu sáng cho cây, ông Kính hóm hỉnh: “Cây cũng có giờ ngủ, giờ nghỉ đầy đủ”. Theo quy trình công nghệ cao, việc chiếu sáng cho cây cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thời gian chiếu sáng, cường độ chiếu sáng.
Sau khi rời khu nhà kính, cây giống được làm quen với điều kiện tự nhiên (ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm) trong vòng 1 tháng, sau đó được đưa sang khu nuôi trồng tự nhiên với các điều kiện lý tưởng nhất để chăm sóc thêm ít nhất 24 tháng mới có thể cho ra được 1 cây lan hồ điệp thành phẩm.
Khu nuôi trồng tự nhiên sử dụng công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) nhưng được điều chỉnh để phù hợp điều kiện Việt Nam. Ngoài lớp kính, có 3 lớp lưới, lớp nilon để có thể điều chỉnh nhiệt độ duy trì ổn định. Nhờ khống chế hoàn toàn được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, ông Kính có thể “bảo” các cây lan hồ điệp ra đúng ngày, đúng số lượng bông “tuyệt đối không sai chút nào”.
Mỗi khu phức hợp rộng 6.000m2 và có quy mô lớn nhất khu vực châu Á. Đài Loan (Trung Quốc) dù có nhiều khu phức hợp nhưng khu lớn nhất cũng chỉ có diện tích 2.000m2 và không khu nào đạt được tiêu chuẩn chất lượng như khu phức hợp của ông Kính. Theo kế hoạch, sang năm tới, Công ty Toàn Cầu sẽ mở rộng các khu phức hợp với tổng diện tích 120.000m2, lớn gấp ba lần hiện nay. Ông Kính chia sẻ: “Đầu tư giai đoạn 1 là 2.500 tỷ đồng, còn toàn bộ dự án là từ 6.000 - 8.000 tỷ đồng”.
Ước mơ đưa lan “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới
Trang trại trồng lan của Công ty Toàn Cầu hiện tại có khoảng 100.000 gốc lan màu sắc rực rỡ gồm hàng chục loại với nhiều cỡ tuổi khác nhau.
“Trường vốn, quyết tâm và sáng tạo” là ba lý do để công ty tự tin vào khả năng cạnh tranh của lan hồ điệp “Made in Vietnam” với lan nhập ngoại và xuất khẩu. Chiếm lĩnh thị trường trong nước không còn là mục tiêu của người kỹ sư ngành điện năm xưa, thay vào đó là mơ ước về tương lai hoa lan “Made in Vietnam” sẽ vươn ra thị trường quốc tế.
“Thị trường đủ cho tất cả, Toàn Cầu đang chuẩn bị thật tốt để vài năm nữa không chỉ gia tăng thị phần trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Kính chia sẻ.
Chiến lược của Công ty Toàn Cầu đã được vạch rõ và đầu tư bài bản với nhiều lượt kỹ sư nông nghiệp được đưa sang Đài Loan (Trung Quốc) đào tạo. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt hiện tại của Công ty Toàn Cầu, đồng thời là lực lượng giúp đưa lan “Made in Vietnam” đến với thế giới.
Theo kế hoạch của ông Kính, khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho xây dựng 120.000 - 130.000m2 nhà kính trồng lan và chuyển giao công nghệ ươm giống, chăm sóc lan.
Hiện tại, Công ty Toàn Cầu đã hoàn toàn tự chủ công nghệ chăm sóc chọn màu hoa, ngày nở, đặc biệt là đảm bảo thời gian chơi hoa được lâu dài, từ 2 - 3 tháng.
Công ty Toàn Cầu cũng đã vươn lên đứng trong số những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực trồng lan. Song, ước mơ rất lớn của ông Kính là cạnh tranh với thế giới bằng chính loại lan rừng của Việt Nam, chứ không phải lan hồ điệp hiện nay. Để làm được điều này, cần nghiên cứu về hoa bản địa, hoa rừng.
“Phải có 30ha trồng rừng, tạo môi trường để làm hoa, thì 10 năm nữa mình mới có thể cạnh tranh bằng chính lan rừng của Việt Nam”, ông Kính ấp ủ.
Ông Kính đã hoạch định riêng một khu bảo tồn nguồn gene đặc hữu quý hiếm của lan Việt Nam nhằm chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi đầy tham vọng nói trên.
Hiện tại, Việt Nam chưa có mặt trên “bản đồ lan” thế giới, song không lâu nữa, “Việt Nam sẽ là điểm đến cho rất nhiều nhà buôn lan của châu Á và thế giới”.
Trong thời gian chờ mơ ước này thành hiện thực, khu trang trại bề thế rộng 35ha được thiết kế để đồng thời là khu du lịch sinh thái, phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước, trong tương lai khu trang trại sẽ lên tới 100ha. Quan trọng hơn, ông Kính mong muốn, các tour tham quan trực quan, sinh động, đầy thực tế sẽ giúp các sinh viên ngành nông nghiệp có thêm động lực để theo đuổi đam mê với nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ với hoa lan mà còn với các giống cây trồng khác.
Ông Nguyễn Văn Kính chia sẻ.