<p>Ông Đỗ Mười có 19 năm tham gia Hội đồng Bộ trưởng, từ lúc là Bộ trưởng xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước. Ông có 3 năm làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; là Uỷ viên Bộ Chính trị 5 khóa; Thường trực Ban Bí thư, Tổng Bí thư, cố vấn Ban chấp hành Trung ương. Trước đó là bí thư một số tỉnh. </p> <p>Ông Mười không được đào tạo cơ bản, nhưng rất chăm đọc sách, nghiền ngẫm và ứng dụng vào thực tiễn. Ông đọc đủ loại sách và chưa bao giờ rời sách. Trước đây, mỗi tháng tôi đến thăm ông một lần thì thấy ông vẫn đọc sách như thường. </p> <p>Do kinh qua quá nhiều chức vụ, nhiều cấp bậc nên ông Mười cái gì cũng hiểu, lĩnh vực gì cũng hiểu như quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, kinh tế, công nghiệp, điện,… Ông Mười đặc biệt chú trọng công nghiệp hóa. Hôm tôi đến trước khi ông mất, ông còn nhắc đi nhắc lại phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, điện phải đi trước một bước. </p> <table> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image "><img alt="Ông Đỗ Mười là người nghiền sách" src="https://khds.1cdn.vn/2018/10/04/ong-do-muoi-la-nguoi-nghien-sach-1.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc">Ông Đỗ Mười tại tư gia</td> </tr> </tbody> </table> <p>Ông Đỗ Mười có phong cách rất đặc biệt, chịu khó lắng nghe, ủng hộ cái đúng và không định kiến cán bộ. Đã tin ai là ông ấy tin tuyệt đối. Ông ấy cũng không trù dập, không thành kiến cá nhân với ai. </p> <p>Ông ấy đặc biệt thương con em gia đình liệt sỹ, người có công, con công nhân. Ông bảo tôi phải tìm con em các gia đình đó trong công tác cán bộ. </p> <p>Ông ấy cũng rất năng động, sáng tạo, nói là làm. Ông có tính nói dài. </p> <p>Trong quan hệ với Trung Quốc, ông nói là quan hệ với Trung Quốc cần hành xử theo phương châm “anh em xa không bằng láng giềng gần”, nhưng phải giữ được độc lập, tự chủ. Ông ấy rất kỹ càng, cẩn trọng trong quan hệ với Trung Quốc. </p> <p>Liên quan đến cải tạo tư sản ông ấy hơi hăng, nhưng sau đó ông ấy tiếp cận lại. Trong bài diễn văn ở Đại hội VI, ông Trường Chinh có nói một câu: Nếu những đảng viên trước đây bảo thủ, không chịu đổi mới nhưng giờ tỉnh ra rồi thì ta thông cảm, cho vào Trung ương, Bộ Chính trị. Đến Đại hội VII thì ông Đỗ Mười lên làm Tổng Bí thư. </p> <p>Nhưng có thời ông ấy bảo thủ về kinh tế, như cải tạo công thương nghiệp… </p> <div> <div> </div> </div> <p>Tôi nhớ có lần ông Đỗ Mười chỉ đạo giải tỏa cảng Hải Phòng, ông yêu cầu công nhân làm quá giờ. Công nhân nói với ông là các cửa hàng mậu dịch đóng cửa sớm nên xin cho họ về sớm để mua lương thực, thực phẩm, không thì hết. Ông Mười nói sẽ xuống kiểm tra. Đúng 11 giờ ông có mặt ở cửa hàng, nhưng đã đóng cửa. Ông gõ cửa thì có tiếng vọng ra: hết hàng rồi. Họ không mở dù ông ấy xưng là Phó thủ tướng.</p> <p>Những chuyện đó tác động đến tư duy kinh tế của ông. Sau này, ông ấy để lại dấu ấn đặc biệt trong tự do kinh tế, thương mại, hội nhập, những vấn đề mà Đổi mới năm 1986 đặt ra. </p> <p>Khoảng đại hội III ông ấy bị bệnh, xin nghỉ và chữa bệnh. Ông Mười từng rèn luyện trong chiến trường khu 3 khốc liệt. </p> <p>Ông ấy luôn trăn trở với phát triển công nghiệp. Sau này, khi người ta phá hay bán nhiều nhà máy như khóa Minh Khai, Trần Hưng Đạo, Dệt 8-3,… để lấy đất, ông ấy buồn lắm. </p> <p>Với cá nhân tôi (là Phó ban Tổ chức Trung ương), ông Mười giao xử lý việc của ba người, trong đó có ông Nguyễn Hữu Đang, vụ Nhân văn giai phẩm. Bấy giờ, ông Đang đang tá túc ở một ngôi trường ở Thái Bình. Tôi xuống đón ông Đang lên Hà Nội sống, nhưng gặp nhiều phản đối. Tuy nhiên, ông Mười cương quyết bảo vệ tôi trong quyết định đó. </p> <p>Ông Mười muốn tôi làm Trưởng ban Ban Bảo vệ Đảng, tách khỏi Ban Tổ chức Trung ương sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng tôi xin làm tiếp rồi về hưu. Lúc tôi 65 tuổi, ông Mười giữ tôi lại làm tiếp, nhưng tôi xin về nghỉ. </p> <p><span> Tư Giang </span>ghi</p> <div> </div>