<div> <p>Ông Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) vừa bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, có khung hình phạt từ 10 -20 năm tù.</p> <p>Theo kết luận điều tra, ông Thăng vai trò Bộ trưởng khi đó, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ông Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Ông Đinh La Thăng phủ nhận việc bàn bạc với Út “trọc” - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/09/01/21/icdn-dantri-com-vn_dinhlathang-1516174644610-1598854646965.jpeg" title="Ông Đinh La Thăng phủ nhận việc bàn bạc với Út “trọc” - 1" /> <figcaption>Đinh La Thăng phủ nhận việc bàn bạc với Út "trọc".</figcaption> </figure> <p>Ông Đinh La Thăng nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn. Tuy nhiên, tháng 2/2012, sau khi được Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Đinh La Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh chỉ đạo công ty của Út "trọc" là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.</p> <p>Tháng 11/2011, ông Thăng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất xin chủ trương tiếp nhận lại đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc trên từ công ty BEDC và tìm kiếm đối tác để chuyển giao quyền thu phí.</p> <p>Đầu năm 2012, ông gặp và quen biết với Út “trọc” tại Ninh Bình. Trong 2 năm 2012-2013, ông có nhiều lần gọi điện thoại liên hệ với Út “trọc” và Dương Tuấn Minh (nguyên tổng giám đốc công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long – gọi tắt là công ty Cửu Long) nhưng phủ nhận việc bàn bạc, giới thiệu, chỉ đạo tạo điều kiện cho Út “trọc” được mua quyền thu phí cao tốc này.</p> <p>Ngày 3/10/2013, ông Thăng ký quyết định thành lập hội đồng đấu giá giao cho ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng làm chủ tịch. Đồng thời, thành lập tổ thường trực giúp việc hội đồng. Ông Thăng giao cho ông Trường ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm, tổ chức bán đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá, quản lý việc thanh toán tiền trúng đấu giá.</p> <p>Quá trình lập và hoàn thiện đề án, bán quyền thu phí, tổ chức bán đấu giá, quản lý hợp đồng bán quyền thu phí, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc Công ty Yên Khánh chậm nộp tiền đấu giá, ông Trường đều đồng gửi các văn bản để báo cáo ông Đinh La Thăng biết theo mục "Nơi nhận..." trên các văn bản. Tuy nhiên, ông không tham gia ý kiến chỉ đạo gì trong các văn bản này.</p> <p>Ông Thăng thừa nhận bút phê đồng ý trên đề nghị của công ty Yên Khánh năm 2014 của Bộ Giao thông Vận tải, tổng công ty Cửu Long kiến nghị về việc giao cho công ty này được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm.</p> <p>Phần chi phí do công ty Yên Khánh đầu tư xây dựng hai nút giao thông này sẽ được khấu trừ vào số tiền công ty này còn phải thanh toán là chưa đúng với pháp luật, dự án chưa nằm trong danh mục vốn đầu tư trung hạn. Ông Thăng không thừa nhận đây là nguyên nhân dẫn đến việc công ty Yên Khánh lấy lý do để thanh toán chậm trễ và không bị chấm dứt trước hạn hợp đồng.</p> <p>Về nhân thân, năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, tập đoàn dầu khí Việt Nam và ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.</p> <p>Đầu năm 2020, ông bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.</p> <p> </p> </div> <p> </p>