Biến thể “siêu đột biến” Omicron đang lây lan như cháy rừng trên khắp thế giới, và hiện đã có mặt ở 128 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Dữ liệu ban đầu cho thấy người nhiễm Omicron ít có nguy cơ mắc bệnh nặng so với những biến thể khác. Tuy nhiên, theo quan chức cấp cao của WHO - bà Catherine Smallwood, sự lây lan nhanh chóng của Omicron có thể mang lại hậu quả không ai mong muốn.
Omicron càng phát tán, càng lây lan nhiều thì càng dễ xảy ra đột biến và tạo ra một biến thể mới. Omicron vẫn gây chết người, dù tỷ lệ thấp hơn Delta. Nhưng không ai biết biến thể tiếp theo sẽ xuất hiện lúc nào.
Từ đầu đại dịch đến nay, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng hơn 100 triệu ca mắc COVID-19. Riêng trong tuần cuối cùng của năm 2021, số ca mắc mới đã lên đến hơn 5 triệu ca.
Dù nguy cơ phải nhập viện ở người nhiễm Omicron thấp hơn Delta, nhưng nhìn chung, sự gia tăng số ca nhiễm Omicron vẫn có thể gây ra mối đe doạ lớn. Vì khi số ca bệnh tăng lên đáng kể thì tỷ lệ số ca nặng theo đó cũng sẽ tăng lên.
Hệ thống y tế Anh hiện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải khi số ca mắc mới COVID-19 ở nước này lần đầu tiên vượt mốc 200.000 ca (ngày 4/1), và số y bác sĩ mắc bệnh/phải cách ly gia tăng nhanh chóng. Bà Smallwood dự đoán tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra ở các quốc gia châu Âu khác khi Omicron dần thay thế Delta và trở thành biến thể thống trị.