Ốm vì ô nhiễm không khí trong nhà là điều có thật. Có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí cho ngôi nhà của bạn.
Nhà mặt đường, trong hẻm đều ô nhiễm
TS Lê Thái Hà, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra, mỗi ngày chúng ta chỉ có khoảng 150 phút lưu thông ở bên ngoài, còn phần lớn thời gian chúng ta sống, làm việc… ở trong nhà. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí trong nhà đang là vấn đề được nhiều người nhắc tới. Một nghiên cứu do Viện thực hiện từ năm 2011 đến nay tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành đã phần nào cho thấy chất lượng không khí trong nhà.
Kết quả nghiên cứu chất lượng không khí trong nhà tại các hộ gia đình sống gần mặt đường tại Hà Nội cho thấy, nồng độ bụi PM 10 trong phòng khách vượt quá tiêu chuẩn 2,5 lần; nồng độ bụi PM2.5 trong phòng khách vượt quá tiêu chuẩn 3 lần; vi khuẩn trong nhà: tổng số vi khuẩn hiếu khí (1/5 hộ gia đình) không đạt tiêu chuẩn, tổng số nấm (5/5 hộ gia đình) không đạt tiêu chuẩn…
Tại các căn hộ trong hẻm tại Hà Nội, nồng độ bụi PM 10 trong phòng khách vượt quá tiêu chuẩn 1,6 lần; nồng độ bụi PM2.5 trong phòng khách vượt quá tiêu chuẩn 1,8 lần; vi khuẩn trong nhà: tổng số vi khuẩn hiếu khí (2/5 hộ gia đình) không đạt tiêu chuẩn, tổng số nấm (5/5 hộ gia đình) không đạt tiêu chuẩn.
Chất lượng không khí trong nhà của các hộ gia đình tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho thấy, các chỉ số ô nhiễm như NO2, SO2, bụi PM10, PM2.5 đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vi khuẩn trong không khí lại rất cao. Cụ thể, tổng số vi khuẩn hiếu khí (6/6 hộ gia đình không đạt tiêu chuẩn), tổng số nấm 6/6 hộ gia đình không đạt tiêu chuẩn.
Tại các văn phòng tại Hà Nội, nồng độ bụi PM 10, PM2.5 cũng vượt chuẩn. Vi khuẩn trong không khí cũng không đạt tiêu chuẩn…
Điều đáng nói, theo TS Lê Thái Hà, việc ô nhiễm không khí trong nhà ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí làm gia tăng gánh nặng bệnh tật. Cụ thể, hệ thực vật nấm có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, đặc biệt là trong các phòng có hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) và có thể gây ra dị ứng.
Các triệu chứng của SBS (“hội chứng bệnh”) gây kích ứng màng nhầy, tình trạng sức khoẻ kém, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, giảm sự tập trung, trí nhớ và khả năng trí tuệ, bệnh hô hấp (bao gồm hen phế quản).
“Gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí trong nhà thậm chí còn cao hơn gấp 2 lần so với gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí xung quanh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 4,3 triệu người chết do ô nhiễm không khí gia đình”- Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh.
Giảm bụi và vi sinh vật
TS Lê Thái Hà cho biết, để cải thiện chất lượng không khí trong nhà, cần phải giảm lượng bụi và vi sinh vật. Bụi phát sinh từ sàn nhà và đồ dùng bẩn. Khi các hoạt động diễn ra, bụi phát tán vào không khí. Ngoài ra, bụi cũng có thể từ bên ngoài phát tán vào trong nhà và bám vào các vật thể. Bụi là đối tượng để vi sinh vật đi kèm. Khi điều kiện môi trường thuận lợi (ví dụ độ ẩm cao và nóng), vi sinh vật sẽ có cơ hội nảy sinh và phát triển.
Theo đó, hãy làm sạch nhà thường xuyên bằng vải ẩm để tránh bụi; nhà cửa, trường học, văn phòng nên thường xuyên mở thoáng cửa; giữ độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh nấm mốc và vi khuẩn phát triển; trồng cây xanh trong nhà (phòng khách hoặc văn phòng) và quanh nhà; hạn chế ô nhiễm bụi từ môi trường xung quanh…
Các chuyên gia của Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh cho biết nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà đến từ nấm mốc, lông động vật, hút thuốc, hóa chất tẩy rửa, ô nhiễm từ bên ngoài vào… Các chuyên gia khuyến cáo thêm:
Để cải thiện chất lượng không khí trong nhà nên sử dụng máy lọc không khí, trồng cây xanh, thiết kế nhà thông thoáng. Khi trong nhà bị ô nhiễm cần hạn chế các hoạt động mạnh khiến thở gấp, thở sâu, thay vào đó nên thử các hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, xem tivi…
Đức Anh