Ốc dạt vào Quảng Bình không phải loài độc

(khoahocdoisong.vn) - Vừa rồi sau bão số 5, người dân khu nhà tôi nhặt được rất nhiều ốc dạt vào bờ biển. Đem về ăn thì thấy rất ngon, liệu đó có phải là ốc độc?

Hỏi: Vừa rồi sau bão số 5, người dân khu nhà tôi nhặt được rất nhiều ốc dạt vào bờ biển. Đem về ăn thì thấy rất ngon, liệu đó có phải là ốc độc?

Nguyễn Vĩnh Quý (Quảng Bình)

TS Đào Việt Hà, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: Hiện tượng ốc xoắn dạt vào bờ biển với số lượng lớn, tập trung ở vùng biển phía Bắc cửa sông Gianh là hiện tượng lạ. Tuy vậy, khi quan sát bên ngoài thì thấy đây không phải là loài ốc độc mà chính là ốc xoắn hay còn gọi là ốc đinh sống ở biển. Ốc xoắn được ngư dân đánh bắt bằng tàu giã cào rồi bán cho các nhà hàng, quán ăn. Đây là một loài ốc có nhiều ở bờ biển các tỉnh phía Nam, chứ Quảng Bình rất hiếm. Tên gọi thì mỗi nơi mỗi khác, ốc đinh, ốc xoắn, ốc vít…

Đây là loại ốc phổ biến để ăn, chúng vô hại và ăn có vị rất ngon. Ốc đinh là đặc sản tại nhiều tỉnh ở Việt Nam, thường được chế biến thành các món như hấp, xào... thậm chí còn được xuất khẩu đi nước ngoài. Loại ốc này khác một số loài ốc có độc tố chết người đã được cảnh báo. Các kết quả ghi nhận về các loài ốc biển có chứa lượng độc tố nguy hiểm chết người là các loài như ốc Mặt trăng (Turban), ốc đụn (The top of shells), ốc tù và (Trumpet shells), ốc hương Nhật Bản (Ivory snails), ốc trám (Oliva)... Tuỳ thuộc vào từng loài ốc mà chất gây độc có thể là saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các động vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn…) hoặc tetrodotoxin (độc tố trong cá nóc, mực đốm xanh hay cua móng ngựa (so biển)…).

Nguồn gốc độc tố ở các loài ốc biển hiện nay chưa được biết rõ và khá phức tạp, không phải tất cả các cá thể trong cùng một loài đều chứa độc tố và độc tính cũng rất khác biệt theo từng cá thể, vùng địa lý và mùa vụ. Do vậy, dù không phải là loài ốc độc nhưng nên chờ kết luận của cơ quan chức năng rồi mới sử dụng làm thực phẩm.

Theo Đời sống
back to top