Ngoại thất bắt mắt, giá bán rẻ, nhiều trang bị là điểm mạnh của ô tô Trung Quốc. Tuy nhiên, việc các mẫu xe này có trụ được tại thị trường Việt Nam hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Việc ô tô Trung Quốc cấp tập xâm nhập thị trường Việt Nam thời gian qua cũng làm nhiều người liên tưởng đến câu chuyện của “xe máy Tàu” trước đây.
Đồng loạt đổ bộ
Sau khoảng thời gian im hơi lặng tiếng, thời gian gần đây các mẫu xe du lịch có xuất xứ từ Trung Quốc cấp tập nhập khẩu vào Việt Nam. Khác với trước, các mẫu xe được nhập khẩu thời gian gần đây tập trung vào xe gầm cao, vốn là phân khúc ô tô đang rất nóng, được khách hàng quan tâm.
Cuối năm 2018, mẫu xe Zoyte Z8 từng thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng Việt Nam bởi có nhiều công nghệ, trang bị không hề kém xe sang, ngoại thất bắt mắt và có giá bán rẻ nhất phân khúc, chỉ 728 triệu đồng.
“Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, tính hết năm 2019 và 9 tháng của năm 2020, tổng lượng ô tô Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 9.000 chiếc. Trong đó đã bao gồm cả xe thương mại lẫn ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống”.
Sự xuất hiện của mẫu xe này đã khiến nhiều khách hàng đem ra so sánh với những mẫu xe đối thủ tại Việt Nam như Hyundai Tucson, Mazda CX-5 hay Honda CR-V đều có giá bán thấp nhất từ 800 triệu đồng trở lên.
Sau Zoyte Z8 đến lượt mẫu xe Z8L (bản 7 chỗ của Z8) và liên tiếp nhiều mẫu xe Trung Quốc được giới thiệu tại Việt Nam như: Brilliance V7 có giá bán 700 triệu đồng hay mẫu BAIC X55 có giá bán 548 triệu đồng.
Gần đây, mẫu xe Trung Quốc nhập khẩu gây chú ý là mẫu xe gầm cao BAIC Beijing X7, có giá bán chỉ từ 528 - 688 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ. Giá bán thấp, Beijing X7 lại được trang bị hàng loạt các công nghệ của xe sang như: Ghế lái chỉnh điện, điều hòa tự động, camera 360 độ, màn hình cảm ứng trung tâm… khiến không ít khách hàng siêu lòng.
Với xe Trung Quốc nhập chính hãng, hai cái tên mới nhất phải kể tới là MG ZS và HS, được phân phối bởi Tan Chong, đối tác cũ của Nissan tại Việt Nam. Giá bán cho MG ZS, được định hình cạnh tranh với Hyundai Kona, Kia Seltos… có giá bán chỉ từ 518 triệu đồng và MG HS ở phân khúc cao hơn từ 788 triệu đồng.
Theo đại diện truyền thông của MG, hãng đã lên kế hoạch chuyển việc nhập khẩu hai mẫu xe kể trên từ Thái Lan vào Việt Nam thay cho từ Trung Quốc như hiện nay nhằm được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%.
Có tạo sức ép với các thương hiệu tại Việt Nam?
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị viên diễn đàn Oto+, ô tô Trung Quốc hiện nay đã có chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với trước đây. Thay vì nhái theo mẫu mã của một thương hiệu nào đó như trước thì nay đã được cải thiện từ chất lượng cho tới mẫu mã.
“Ô tô Trung Quốc muốn cạnh tranh với các mẫu xe đối thủ tại Việt Nam không phải dễ bởi tâm lý người dùng vẫn coi đó là sản phẩm cấp thấp. Rào cản nữa là hiện hầu hết các thương hiệu xe Trung Quốc chỉ được nhập khẩu không chính hãng, hệ thống phân phối, bảo hành bảo dưỡng ít nên rất khó cạnh tranh”.
Một chuyên gia trong ngành ô tô nhận định, xe Trung Quốc bán sang Việt Nam hầu hết vẫn thuộc các thương hiệu ô tô nội địa sao chép kiểu dáng, không phải thương hiệu liên doanh. Người Việt Nam vốn có định kiến về các sản phẩm Trung Quốc nên không mấy ưa chuộng. Mà đã là định kiến thì rất khó vượt qua.
Trước câu hỏi liệu các hãng xe tại Việt Nam có phải lo ngại về làn sóng ô tô Trung Quốc, tương tự như khi “xe máy Tàu” đổ bộ trước đây hay không, vị chuyên gia này nhận định, ô tô khác hẳn với xe máy.
“Ví dụ như hồi xưa xe Honda Future bán 30 triệu đồng thì xe máy Trung Quốc chỉ khoảng 7 triệu, khác biệt hẳn về giá. Nhưng với ô tô chênh lệch về giá không thể nhiều được. Ô tô Trung Quốc nếu bán giá thấp hẳn, chỉ khoảng 200 triệu đồng mà vẫn “long lanh” thì lúc đó mới phải suy nghĩ”.
Một người hành nghề kinh doanh ô tô cũ tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, ô tô Trung Quốc vẫn sẽ có những người chuyên mua về rồi bán lại nhưng đa số người kinh doanh xe cũ đều e dè với mặt hàng này.
Chưa cần bàn về chất lượng của xe Trung Quốc nhưng thực tế với dòng xe này khi mua giá cao thì không có lãi mà mua quá rẻ thì khách lại không muốn bán. Vì thế trừ khi giá bán lại phải thật rẻ thì “thợ” mới dám mua vào.
“Trước đây, tôi có trải nghiệm chiếc xe Zoyte Z8 cũ của một người cũng buôn bán ô tô cũ nhập vào để bán lại. Qua trải nghiệm thì thấy mẫu xe này xác nặng, rất tốn nhiên liệu. Bên cạnh đó, nội thất dù nhiều trang bị nhưng theo đánh giá nhìn rất “nhôm nhựa”, người này chia sẻ.
Khi được đề nghị đánh giá về chất lượng ô tô Trung Quốc tại thị trường Việt Nam, Giám đốc một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội cho rằng, có quá ít thời gian để đưa ra câu trả lời.
“Xe Trung Quốc hiện nay mới chỉ xuất hiện được khoảng 2 năm, rất nhiều xe còn chưa chạy hết chu kỳ đăng kiểm lần đầu. Tuy nhiên, vị này cũng nhận định: “Không thể đòi hỏi một chiếc xe nhiều trang bị lại có chất lượng tốt mà giá bán thấp”.
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, vẫn có bộ phận khách hàng Việt Nam e dè với sản phẩm ô tô Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ô tô Trung Quốc tràn vào thì tính cạnh tranh sẽ cao hơn. Đối với ô tô thì phải qua thời gian sử dụng mới khẳng định được thương hiệu.
“Ô tô là tài sản tương đối lớn với người Việt Nam nên dù có vào nhiều đi chăng nữa thì người tiêu dùng vẫn cần phải có thời gian thăm dò. Nhưng nếu ô tô Việt Nam không nâng chất lượng, hạ giá bán thì có thể cũng sẽ khó để cạnh tranh”, ông Long nhận định.