Ô tô điện đi giữa trời mưa sấm chớp có an toàn không?

Đối với ô tô điện, nhắc đến “điện” và “mưa”, nhiều người thường nghĩ đến khả năng bị điện giật hay sét đánh. Vậy sử dụng ô tô điện trong trời dông sét liệu có an toàn?

Không hề nguy hiểm

Việc chạy xe điện, thậm chí là sạc pin dưới trời mưa dông, sấm sét đều không hề nguy hiểm. Bởi, lớp vỏ ô tô điện được làm từ kim loại có khả năng chống sét. Trường hợp không may xe bị trúng sét, dòng điện sẽ tuyền quanh xe và đi xuống đất.

Thêm vào đó, mọi thiết bị điện tử và hệ thống nguồn điện bên trong xe đều không được kết nối với bất kỳ bộ phận nào bên ngoài chiếc ô tô. Chưa hết, ô tô điện còn được trang bị bộ phận theo dõi điện áp, giúp nhận ra tình trạng quá tải nếu chiếc xe bị sét đánh và tự động bảo vệ pin, ngăn chặn các nguy cơ đứt mạch, dẫn đến cháy nổ.

Do vậy, hệ thống điện cũng như các thiết bị điện và người ngồi trong xe sẽ không bị ảnh hưởng nếu nhỡ may ô tô bị sét đánh. Song, cần lưu ý, để đảm bảo an toàn khi di chuyển trong trời mưa giông, sấm sét, người dùng cần đóng kín tất cả cửa xe để tránh tia sét không xâm nhập vào bên trong.

Cấu tạo xe ô tô điện

Một chiếc ô tô điện thường sẽ có ít bộ phận hơn so với ô tô dùng xăng hoặc dầu truyền thống. Thường thì xe điện được cấu tạo bởi thân xe, mô tơ điện, pin, cổng sạc, hộp số, bộ sạc trên xe, ắc-quy phụ, hệ thống tản nhiệt, bộ điều khiển điện tử và bộ đổi điện.

Pin là bộ phận chiếm nhiều không gian nhất trên ô tô điện. Các nhà sản xuất thường đặt pin xe ô tô điện ở ngay bên dưới sàn xe. Cả cụm pin của xe ô tô điện được tạo thành bởi những cục pin nhỏ hơn. Ví dụ, trên ô tô điện Tesla Model 3, cụm pin 100kWh được tạo ra từ 7.000 viên pin Panasonic hình trụ.

Trong khi đó, động cơ của xe ô tô điện là mô tơ nên đơn giản hơn rất nhiều so với các loại động cơ đốt trong. Mô tơ sẽ không có các linh kiện như piston, xi-lanh, trục khuỷu, bánh răng... Hộp số của ô tô điện cũng đơn giản hơn và chỉ có một cấp số duy nhất. Xe ô tô điện cũng không có khái niệm mô-men xoắn cực đại.

Để mô tơ nhận được năng lượng từ pin cần có sự hỗ trợ của bộ đổi điện (biến tần). Bộ biến tần có nhiệm vụ đổi dòng điện một chiều (DC) trên pin thành dòng điện xoay chiều (AC) giúp động cơ hoạt động. Thậm chí, khi phanh xe điện biến tần còn có thể chuyển dòng xoay chiều tạo ra trong quá trình phanh nạp lại năng lượng cho pin. Đây gọi là công nghệ phanh tái tạo năng lượng của xe ô tô điện.

Bộ điều khiển điện tử hay còn gọi là bộ điều khiển trung tâm đóng vai trò rất quan trọng trên ô tô điện. Nó quản lý mọi thứ từ phản ứng của chân ga tới quản lý mức pin hay mô-men xoắn...

Một bộ phận quan trọng khác của xe ô tô điện chính là hệ thống làm mát. Nó có nhiệm vụ đảm bảo rằng động cơ mô tơ điện và các bộ phận khác luôn được duy trì ở mức nhiệt độ thích hợp./.

Theo Đời sống
back to top