Ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tại Việt Nam, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang gia tăng do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, thói quen hút thuốc lá chưa giảm.
bn-copd.jpg
Các bệnh nhân COPD trong bối cảnh Covid-19 phức tạp được các chuyên gia y tế khuyến nghị nên tiêm ngừa văcxin, tái khám định kỳ và tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị để kiểm soát bệnh. Ảnh minh họa

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là căn bệnh rất nghiêm trọng cần phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), COPD có tỷ lệ lưu hành cao ở những nước sử dụng nhiều thuốc lá. Tại Việt Nam, đây là bệnh lý hô hấp mạn tính với xu hướng ngày càng gia tăng do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, thói quen hút thuốc lá chưa giảm.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), khuyến nghị, biện pháp đầu tiên để cải thiện sức khỏe cũng như giúp phổi khỏe là ngừng hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm không khí và khói bụi nghề nghiệp.

Tiếp sau là duy trì tập thể dục thường xuyên hoặc vật lý trị liệu để hồi chức năng phổi; đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh và giàu chất chống oxy hóa.

Ngày Thế giới phòng chống COPD, 17/11, do Sáng kiến ​​Toàn cầu về COPD phối hợp với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các nhóm bệnh nhân trên khắp thế giới tổ chức hằng năm.

Chủ đề của ngày COPD Thế giới 17/11/2021 là “Không gì quan trọng hơn lá phổi khỏe”.

Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, COPD vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Lá phổi khỏe cũng là vũ khí giúp chúng ta chống lại Covid-19.

Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi.

Các bệnh nhân COPD trong bối cảnh Covid-19 phức tạp được các chuyên gia y tế khuyến nghị nên tiêm văcxin (ngừa Covid-19, Cúm và Phế cầu), tái khám định kỳ và tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị để kiểm soát bệnh.

Theo Đời sống
back to top