Ông Hoàng Dũng, Công ty TNHH D&L, đơn vị vận hành hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air cho biết, những ngày qua chất lượng không khí ở Hà Nội khá thấp, ô nhiễm không khí thay đổi theo giờ trong ngày. Thời gian ô nhiễm nhất thường tập trung vào đêm và sáng sớm với nhiều điểm đo ở ngưỡng đỏ (chỉ số AQI từ 150 trở lại - mức ô nhiễm có hại cho sức khỏe mọi người), cá biệt một số điểm đo có thể lên ngưỡng tím (chỉ số AQI từ 200 trở lên - ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người). Vào trưa chiều, khi nắng mạnh, chất lượng không khí ở Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc được cải thiện, chỉ còn ở ngưỡng trung bình (chỉ số AQI từ 50 - 100 và ngưỡng kém với chỉ số AQI từ 100 - 150 - bắt đầu ảnh hưởng đến nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch). Tình trạng ô nhiễm không khí sẽ kéo dài nhiều ngày tới với quy luật ô nhiễm nghiêm trọng vào đêm và sáng, trưa chiều được cải thiện.
So với số liệu ô nhiễm không khí năm ngoái, năm nay, tình trạng ô nhiễm không khí có dấu hiệu được cải thiện, số ngày ô nhiễm không khí cũng như mức độ ô nhiễm không khí từ đầu mùa đông đến nay giảm đáng kể. Tuy nhiên, khuyến cáo đưa ra, mùa đông là thời điểm ô nhiễm không khí nặng nhất trong năm, các thông số ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 sẽ có xu hướng gia tăng. Các đợt ô nhiễm không khí nặng có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Vì vậy, các cơ quan quản lý môi trường cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí. Chính quyền TP Hà Nội và các thành phố lớn ở khu vực phía Bắc cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí như hạn chế đốt than, củi, rơm rạ; tăng cường tưới cây và rửa đường tại các trục đường có mật độ giao thông lớn... Người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để có biện pháp phù hợp trong những ngày chất lượng không khí xấu đi.