<div> <p>Chị Phan Thị Xuân Hương (32 tuổi) đang băn khoăn về việc có nên sinh thêm con thứ hai vì lo lắng con không được lớn lên trong một môi trường an toàn. Chị Hương đùa rằng đứa trẻ không được lựa chọn sinh ra ở đâu, nhưng bố mẹ thì có thể, và chị muốn lựa chọn tốt nhất cho con chị.</p> <p>“Tôi có một bé hiện đang học Tiểu học An Bình (quận 2), may là trường có máy quan trắc không khí và cập nhật theo thời gian thực trên <em>AirVisual</em> nên tôi có thể biết môi trường bé đang học ô nhiễm ở mức nào để ứng phó. Nhưng nếu có chính sách cho các con nghỉ học vào những ngày ô nhiễm thì mình sẽ đỡ lo hơn nhiều”, chị Hương khuyến nghị.</p> <p>Trước tình trạng ô nhiễm báo động, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, <span>vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. </span><span>Tổng cục môi trường cũng cảnh báo chất lượng không khí tại Hà Nội đang có xu hướng xấu đi cho tới tận ngày 18/12. Nhưng cảnh báo vẫn là chưa đủ khi người lớn vẫn phải đi làm và trẻ con vẫn phải đến trường. </span></p> <h3><strong>Học sinh nghỉ học vì ô nhiễm</strong></h3> <p>Chị Hương dẫn chứng hồi tháng 1, nhiều trường học từ mẫu giáo tới trung học phổ thông tại Bangkok (Thái Lan) đã được nghỉ học khi chỉ số bụi mịn PM 2.5 lên tới 90 µg/m3, gấp 9 lần nồng độ tiêu chuẩn của WHO. Tương tự, tháng 11, tất cả trường học tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) cũng được nghỉ học khi chỉ số ô nhiễm ở mức nguy hại, nhiều nơi AQI chạm mốc 500.</p> <p>“Các con không nhất thiết phải nghỉ học nhưng ngành giáo dục có thể ban hành quy định yêu cầu nhà trường không để các con vui chơi ngoài trời khi AQI ở ngưỡng cao”, chị Hương đề xuất.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="O nhiem khong khi muc nguy hai, tre em co duoc nghi hoc? hinh anh 1 Saigononhiem_19.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/02/saigononhiem_19.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>TP.HCM chìm trong ô nhiễm không khí nhiều ngày qua. <em>Ảnh: Danh Phạm.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>TS Trần Ngọc Đăng, chuyên gia y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, khẳng định hai nhóm chịu tổn hại nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí là phụ nữ mang thai và trẻ em từ 0 đến 5 tuổi. Bụi mịn trong không khí sẽ làm cho chức năng phổi của nhóm này nhanh chóng suy giảm, gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe về lâu dài.</p> <p>Cụ thể, về tác động cấp tính có thể gây biểu hiện tức thời như chảy nước mắt, khó thở, viêm mũi... Về tác động mãn tính, khi bụi thấm qua vòng phế nang, bám vào thành mạch máu sẽ tạo nên mảng xơ vữa gây tắc nghẽn dẫn đến nhồi máu cơ tim. Thậm chí, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp hạng những chất ô nhiễm trong không khí có khả năng gây ung thư thuộc nhóm 1.</p> <h3>Ban bố tình trạng khẩn cấp do ô nhiễm không khí</h3> <p>Đây là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn khi phải đối mặt với ô nhiễm không khí đỉnh điểm. Tháng 11/2019, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường Ấn Độ (EPCA) đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp tại thủ đô New Delhi và khu vực lân cận trong bối cảnh chỉ số ô nhiễm không khí nguy hại. Chỉ số AQI nhiều thời điểm ở mức 400, gấp 8 lần chỉ số an toàn là 50 đơn vị.</p> <p>Với lệnh này, tất cả các trường học ở Nam Delhi phải đóng cửa và mọi hoạt động xây dựng tại thủ đô tạm dừng trong 5 ngày. EPCA cũng cấm đốt pháo trong suốt mùa đông, tức là đến cuối tháng 2/2020.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="O nhiem khong khi muc nguy hai, tre em co duoc nghi hoc? hinh anh 2 2017-01-23t105632z_1489304952_lr1ed1n0udxjv_rtrmadp_3_france-pollution-paris.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/20/2017-01-23t105632z_1489304952_lr1ed1n0udxjv_rtrmadp_3_france-pollution-paris.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Tháp Eiffel, biểu tượng của Paris, mờ ảo khi không khí ở ngưỡng nguy hại năm 2017. <em>Ảnh: Reuters/</em><span><em>Philippe Wojazer.</em></span></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p><span>Trước đó, tháng 1/2017, hiện tượng rét đậm, không có gió kết hợp với khói từ việc người dân đốt than và củi để sưởi ấm khiến nhiều khu vực châu Âu chìm trong ô nhiễm không khí đáng báo động. Hàng loạt quốc gia châu Âu (EU) đã phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.</span></p> <p>Năm 2017, EU đã công bố giới hạn cho phép của từng chất gây ô nhiễm, 16 trong tổng số 28 nước thành viên đã ghi nhận ít nhất một trường hợp mỗi nước có mức độ NO2, một loại khí độc trong phát thải xe ôtô, cao hơn mức bình quân hàng năm cho phép. Một số nhà ga tại London ghi nhận có hơn 50 µg NO2/m3 không khí, gấp 5 lần quy chuẩn EU là 10 µg/m3.</p> <p>Cơ quan chức năng Anh, Pháp và Bỉ cảnh báo người già và trẻ em tránh các hoạt động thể chất ngoài trời, đặc biệt đối với những người đang gặp phải các vấn đề về hô hấp.</p> <p>Giới chức thủ đô Paris (Pháp) ra lệnh cấm các phương tiện có nguy cơ gây ô nhiễm cao lưu thông trên đường một thời gian và giảm giá vé các phương tiện giao thông công cộng nhằm khuyến kích người dân sử dụng. Nhiều khu vực tại Pháp cũng quy định giảm tốc độ lái xe trên đường trong điều kiện thời tiết xấu.</p> <p>Tại London (Anh), tình trạng sương mù dày đặc đã buộc sân bay Heathrow phải hoãn khoảng 100 chuyến bay trong hai ngày liên tiếp. Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) lần đầu tiên phải áp đặt biện pháp cấm luân phiên ôtô cá nhân theo biển số chẵn-lẻ.</p> <h3><strong>Việt Nam thiếu quy chuẩn về ô nhiễm không khí</strong></h3> <p>Chia sẻ về kiến nghị cho học sinh nghỉ học khi không khí ở mức nguy hại, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam ủng hộ chủ trương này. Ông lấy ví dụ khi thời tiết quá lạnh thì học sinh từng cấp sẽ được nghỉ học để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho các em. Tương tự, đương nhiên phải cho học sinh nghỉ học trong thiên tai mưa bão hoặc ô nhiễm không khí vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ vì các em rất nhạy cảm về mặt thời tiết. </p> <p>Tuy nhiên, ông Nam chỉ ra một khó khăn khi thực hiện ý tưởng này là Việt Nam đang thiếu một hệ quy chuẩn chung về ô nhiễm không khí. “Nếu thời tiết lạnh có thể dựa vào số liệu khoa học từ Đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vậy ô nhiễm không khí lấy căn cứ khoa học nào làm chuẩn mực để đánh giá vượt ngưỡng an toàn?”, ông Nam đặt câu hỏi.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="O nhiem khong khi muc nguy hai, tre em co duoc nghi hoc? hinh anh 3 sgmu_zing16.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/13/sgmu_zing16.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Hệ thống quan trắc chưa thống nhất gây khó cho ban hành chính sách. <em>Ảnh: Danh Phạm.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trên thực tế, hiện chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội có 9 trạm quan trắc tự động, cập nhật số liệu trực tuyến theo thời gian thực để thông tin đến người dân. Các tỉnh khác hoặc vẫn sử dụng trạm quan trắc thủ công hoặc chưa có trạm quan trắc, như vậy không thể ban hành một chính sách toàn diện để bảo vệ các em.</p> <p>“Là người làm công tác trẻ em, tôi rất lo ngại bởi chất lượng không khí sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai”, ông Nam nhận định.</p> <p>Ông Nam đề xuất <span>Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế nên phối hợp để tạo ra một quy chuẩn về các mức độ ô nhiễm và tác hại của chúng với từng nhóm người, đặc biệt là trẻ em. Đối với các thành phố chưa có hệ thống quan trắc có thể sử dụng tạm hệ thống quốc tế sẵn có.</span></p> <p><span>Từ cơ sở đó, </span><span>Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy chế về việc trẻ nên nghỉ khi ô nhiễm ở mức nào hoặc không tham gia các hoạt động ngoài trời (tập thể dục, vui chơi, dã ngoại...) trong điều kiện không khí ra sao. Thậm chí là quy định về máy lọc không khí tại các nhà trường. </span></p> <div> <h3>Làm việc ở nhà khi không khí ô nhiễm </h3> <p>Để ứng phó với tình hình ô nhiễm không khí tại TP.HCM, chị Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Change, cho biết cơ quan chị đã có chính sách khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà trong những ngày chất lượng không khí ở mức đỏ và tím, tức chỉ số AQI trên 150 đơn vị. Không chỉ thế, đơn vị này còn phát động chiến dịch kêu gọi các cơ quan, tổ chức khác áp dụng quy định này. </p> <p>“Thứ nhất để mình khỏi phải hít thở không khí xấu, hai là cũng không đóng góp thêm khí thải từ xe của mình khiến môi trường ô nhiễm hơn”, chị Hồng lý giải nguyên nhân của quy định lạ này.</p> </div> </div> <p><a href="https://news.zing.vn/o-nhiem-khong-khi-muc-nguy-hai-tre-em-co-duoc-nghi-hoc-post1025126.html"><em>Theo zing.vn</em></a></p>