Hơn 100 ca mắc tại ổ dịch Thanh Xuân Trung
Tính đến sáng 27.8, ổ dịch tại Thanh Xuân Trung (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã ghi nhận tổng cộng 112 ca mắc COVID-19 kể từ ngày đầu tiên phát hiện ca mắc. Ngay sau khi phát sinh ổ dịch, lực lượng chức năng đã rào cứng lối ra vào, cách ly người nguy cơ cao, tách người bệnh nền khỏi vùng đỏ... các biện pháp phòng chống dịch ngay lập tức được triển khai tại hai ngõ 328 và 330 phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.
Ngày 24.8, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, quận Thanh Xuân đã ban hành quyết định thành lập khu vực cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi từ 14h00 ngày 23.8 đến 14h00 ngày 30.8 (7 ngày). Khu vực phong tỏa có gần 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu.
Sở Y tế Hà Nội cho biết ở Thanh Xuân đã có 10/11 phường ghi nhận ca bệnh COVID-19. Sở Y tế đề nghị quận Thanh Xuân tăng cường lực lượng, bố trí chốt trực ở các ngách trong các khu phong tỏa ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi; thành lập ít nhất 15 tổ giám sát COVID-19 để thực hiện kiểm soát, kịp thời lẫy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần để nhanh chóng bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
CDC Hà Nội đánh giá, chùm ca bệnh ở quận Thanh Xuân có sự tương đồng về đặc điểm với chùm ca bệnh ở quận Đống Đa (Văn Chương, Văn Miếu) dân cư đông đúc, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc lớn.
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, qua đánh giá sơ bộ, ở vùng lân cận nơi phát sinh ca bệnh trong ổ dịch này, có thể có nguồn lây là người bán rau thường xuyên đến chợ đêm Ngã Tư Sở. Ông Tuấn đề xuất xét nghiệm toàn bộ tiểu thương ở chợ đêm Ngã Tư Sở để sàng lọc nguy cơ.
Ngày 25.8, trực tiếp kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã thị sát từng đường đi lối lại trong khu vực. Chủ tịch Hà Nội nêu rõ: “Hiện nay Thanh Xuân đang là địa bàn nguy cơ cao nhất”.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Cách gì thì cách, không thể để nhà F0 mà không có dấu hiệu cảnh báo. Lực lượng y tế và công an cần vào cuộc ngay, từ yếu tố dịch tế, khoanh chặt vùng lõi trong khu phong tỏa. Vùng đỏ nhất trong vùng đỏ phải được thiết lập khu vực riêng. Tuyệt đối không để người dân nhà này sang nhà kia. Phải có cách làm cụ thể, mạnh mẽ để thực hiện việc này”.
Liên quan đến việc xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP đánh giá, từ căn cứ khoa học, việc lấy mẫu chưa “quét” trúng vùng đỏ, nhóm đỏ, nên mới có chuyện bùng phát dịch bệnh. Vì vậy quận cần xem xét nghiệm theo dịch tễ, di biến động của F0, F1, tranh thủ từng giờ, từng ngày để nhanh chóng sàng lọc.
“Toàn bộ người trong khu phong tỏa đều phải coi là F1, phải xét nghiệm. Ai không thực hiện thì phải đưa đi cách ly tập trung” - Chủ tịch UBND TP nói.
Sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu tập thể cũ, chật hẹp
Tại buổi làm việc xin ý kiến chuyên gia công tác tăng cường xét nghiệm phòng chống COVID-19 mới đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), các chuyên gia góp ý Hà Nội cần thực hiện tốt công tác lấy mẫu xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu tách F0 ra khỏi cộng đồng; đánh giá lại khu vực nguy cơ; đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ theo dịch tễ.
Nội dung thực hiện (không bao gồm các hoạt động xét nghiệm thường quy phòng chống dịch bệnh như đối tượng ho, sốt; khu phong tỏa; đối tượng truy vết; khu cách ly tập trung) đối với các khu vực và đối tượng lấy mẫu lựa chọn địa bàn, xã/phường nguy cơ cao tiếp giáp với các ổ dịch phức tạp; khu tập thể cũ tập trung đông người, chật hẹp (mật độ dân số cao, nhà/ngõ chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều).
Lựa chọn đối tượng nguy cơ cao như shipper, người làm dịch vụ vận tải gồm lái xe các loại, người làm việc tại công ty cung ứng hàng hóa thực phẩm, người bán hàng tại chợ, siêu thị... và lựa chọn các khu vực khác theo diễn biến tình hình dịch.