3 nguồn lây làm bùng lên ổ dịch "nóng" nhất Hà Nội
Từ ca bệnh chỉ điểm là 2 mẹ con sống tại ngõ 330 Nguyễn Trãi được phát hiện dương tính SARS-CoV-2, khi đi khám sàng lọc tại bệnh viện ngày 22/8, đến nay phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 73 ca dương tính SARS-CoV-2 và trở thành ổ dịch phức tạp hàng đầu tại Thủ đô.
Các ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung tập trung chủ yếu tại ngõ 328 Nguyễn Trãi (42 ca) và ngõ 330 Nguyễn Trãi (23 ca), một số ca bệnh rải rác tại phường này ghi nhận tại ngõ 320, 326, 332 Nguyễn Trãi, ngõ 63 Vũ Trọng Phụng, tòa nhà 47 Vũ Trọng Phụng.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung đã đến chu kì lây nhiễm thứ 2 - 3. Đáng chú ý, đặc điểm của khu vực bùng phát dịch có mật độ dân cư cao, ngõ, ngách nhỏ, có khu tập thể cũ nên khả năng tiếp xúc rất lớn. Theo thống kê, khu vực phường Thanh Xuân Trung có 700 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu.
Các bệnh nhân ghi nhận tại phường Thanh Xuân Trung chủ yếu liên quan đến các chợ, siêu thị trên địa bàn phường. Qua điều tra bước đầu, CDC Hà Nội đánh giá ổ dịch này có 3 nguồn lây.
"Chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung có sự tương đồng với ổ dịch tại phường Văn Miếu và phường Văn Chương. Dự báo, chùm ca bệnh này diễn biến rất phức tạp, khả năng lây lan cao nên sắp tới vẫn sẽ ghi nhận thêm ca F0", ông Tuấn cho hay.
Ổ dịch bùng phát vì xét nghiệm chưa "quét" đúng vùng đỏ
Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Thanh Xuân vào sáng 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phân tích, từ căn cứ khoa học cho thấy, việc lấy mẫu xét nghiệm chưa "quét" trúng vùng đỏ, nhóm đỏ, nên mới có chuyện bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Vì vậy, quận Thanh Xuân cần xét nghiệm theo dịch tễ, di biến động của F0, F1; tranh thủ từng giờ, từng ngày để nhanh chóng sàng lọc.
"Toàn bộ người trong khu phong tỏa đều phải coi là F1 và phải xét nghiệm. Ai không chấp hành thì phải đưa đi cách ly tập trung", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh cũng nhận định, quận Thanh Xuân đang là địa bàn nguy cơ cao nhất của thành phố. Do đó, ông yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung xử lý nhanh ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung. Theo ông, các phương châm, nguyên tắc đã được thành phố đặt ra cụ thể.
"Vùng đỏ nhất trong vùng đỏ phải được thiết lập khu vực riêng. Tuyệt đối không để người dân nhà này sang nhà kia. Phải có cách làm cụ thể, mạnh mẽ để thực hiện việc này. Không thể để nhà có F0 mà không có dấu hiệu cảnh báo", ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu chính quyền sở tại phải thiết lập chốt ở đúng vùng trọng điểm, khóa cứng vùng lõi trong ổ dịch. Sau đó mới tính đến vai trò tự quản của nhân dân; huy động đoàn thể tham gia...
Đặc biệt, người dân trong các khu tập thể ở địa bàn phải "ai ở đâu ở nguyên đó" để giữ nguyên hiện trạng, phục vụ công tác truy vết được nhanh chóng hơn.
Xây dựng chiến lược chống dịch phù hợp với vùng nội đô
Theo ông Khổng Minh Tuấn, thành phố đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm sàng lọc diện rộng trên địa bàn, với hơn một triệu người được lấy mẫu xét nghiệm.
Tuy nhiên, các F0 vẫn chưa thể bóc tách hoàn toàn khỏi cộng đồng. Do đó, thành phố vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các chùm ca bệnh tại cộng đồng, điển hình là ổ dịch vừa bùng phát tại phường Thanh Xuân Trung.
Chính vì vậy, điều quan trọng là người dân phải luôn tuân thủ tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và chủ động khai báo các triệu chứng nghi ngờ cũng như các yếu tố dịch tễ.
"Một khó khăn trong việc phát hiện sớm các ca bệnh là người dân có tâm lý ngại khai báo lịch trình di chuyển, vì lo ngại bị xử phạt, khi thành phố vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16", ông Tuấn phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, CDC Hà Nội đang xây dựng một chiến lược chống dịch mới để phù hợp với khu vực nội thành Hà Nội, nơi có đặc thù có nhiều ngõ, ngách, mật độ dân cư cao và tiếp xúc nhiều.
Trước đó, chia sẻ với Dân trí, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định tại các "điểm nóng" về dịch, lực lượng chức năng cần xét nghiệm toàn bộ dân cư, thậm chí là xét nghiệm định kì nhiều lần để truy vết triệt để các F0, nhằm nhanh chóng giải quyết những ổ dịch này.
Ngoài ra, cần có biện pháp để các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ sau khi khai báo y tế sẽ được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí tận nhà, để tránh việc họ phải di chuyển đến điểm xét nghiệm như bệnh viện, vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng trong quá trình di chuyển và tiếp xúc.
"Điều quan trọng nhất là ý thức và trách nhiệm trong phòng ngừa dịch bệnh của người dân. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát và xử phạt, kết hợp giãn cách, xét nghiệm mở rộng tại những khu vực có F0, khu vực phong tỏa, đẩy mạnh tầm soát người bệnh ho sốt... Với sự đồng lòng quyết tâm của chính quyền và mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, Hà Nội mới có thể sớm kiểm soát được dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới", PGS Hùng nhấn mạnh.