Trước sự xuất hiện những trường hợp mắc Covid-19 không tìm được ca đầu tiên như tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ca bệnh 237, người Thụy Điển, ca bệnh 243 ở Mê Linh, Hà Nội và ca bệnh mới được phát hiện tại Hà Nam, Bộ Y tế nhận định dịch đã sang giai đoạn xâm nhập vào cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã có sự lây lan ra cộng đồng nhưng chưa lớn. Tuy nhiên, rất khó phát hiện nguồn lây và có thể có ca mắc mà không biết. Vì vậy, điều quan trọng là phải tập trung vào việc phát hiện ca bệnh tiếp xúc gần, người liên quan để cách ly và khoanh vùng dập dịch.
Chúng ta không được chủ quan với những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Những ca nhiễm kiểu này, nếu bị bỏ qua trong giai đoạn ngăn chặn được, có thể tạo thành "làn sóng" mới rất khó kiểm soát. Một số nước đang phải đối phó rất vất vả trước làn sóng này như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Vì vậy, chỉ có biện pháp "giãn cách xã hội" làm chậm quá trình lây nhiễm, phát hiện sớm, khoanh vùng tất cả những ca như thế để chặn dịch.
|
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, một mặt chúng ta theo dõi, nghiên cứu các kinh nghiệm trên thế giới nhưng điều quan trọng là phải kiên trì các nguyên tắc chống dịch từ ban đầu là “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị”. Đặc biệt, trong giai đoạn này phải rất chú ý đến việc phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, coi đây là ổ dịch tiềm năng (F0) để tiến hành ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng với các đối tượng F1, F2
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quán triệt không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất.