Thông tin NXB Giáo dục Việt Nam chi gần 2 tỷ đồng cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TPHCM khiến dư luận quan tâm và đặt câu hỏi về sự minh bạch, khách quan trong việc lựa chọn SGK.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, NXB Giáo dục Việt Nam hợp tác với các tác giả, chuyên gia và đội ngũ nhà giáo trong nước cũng như chuyên gia nước ngoài trong hoạt động biên soạn SGK và hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật.
Việc nỗ lực đảm bảo chất lượng SGK mới là cách cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng pháp luật, tôn trọng người dạy và người học. Vì việc lựa chọn SGK nào lệ thuộc vào các địa phương thấy bộ SGK nào phù hợp hơn, chất lượng hơn.
Về khoản tiền thù lao, ông Tùng cho rằng, các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất, mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, NXB Giáo dục Việt Nam cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.
Liên quan tới câu chuyện này, trước khi Bộ GD&ĐT xây dựng Thông tư liên quan tới quy trình biên soạn SGK một số chuyên gia đã cảnh báo về sơ hở khi không chặt chẽ trong quy định rõ việc các sở GD&ĐT, các đơn vị sự nghiệp trong ngành GD&ĐT có được hay không được tham gia vào quy trình biên soạn SGK.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ, việc này có thể dẫn tới tình trạng các sở GD&ĐT đều kết hợp để có bộ SGK của tỉnh mình, địa phương nào chỉ học SGK của địa phương đó.
Trong 5 bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, bộ "Chân trời sáng tạo" có sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ của sở GD&ĐT TPHCM.
Theo thông tư của Bộ GD&ĐT, việc lựa chọn SGK hiện nay được giao về cho các nhà trường. Mỗi trường sẽ thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Trong cuộc họp báo công bố phê duyệt sách giáo khoa vừa rồi, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) trả lời phóng viên cho biết, theo hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa, không có sự tham gia của sở GD&ĐT vào các bộ sách đã thẩm định và phê duyệt.
Tuy nhiên, khi lãnh đạo Sở nằm trong thành phần chủ chốt tổ chức biên soạn SGK, thì thực sự có phải là "không có sự tham gia" hay không? Và liệu các trường có dám "qua mặt" Sở để chọn bộ sách khác bộ sách do lãnh đạo Sở nằm trong ban biên soạn hay không?
Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.