Dễ tái phát và nguy hiểm tính mạng
Anh Lê Đức G. 35 tuổi (Quảng Ninh) vào viện với biểu hiện ho ra máu gần 300ml/lần, xét nghiệm cho thấy thiếu máu trầm trọng. Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, trên hình ảnh MSCT cho thấy có hình ảnh giãn động mạch phế quản.
Do người bệnh có tiền sử lao phổi, viêm tụy cấp do vậy rất khó khăn cho phẫu thuật để kẹp cầm máu, cắt thùy phổi tổn thương, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nguy hiểm cho tính mạng. Sau khi tiến hành hội chẩn, phương pháp tối ưu nhất là tiến hành cầm máu bằng phương pháp nút động mạch. Dưới sự hỗ trợ của máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA, ca can thiệp diễn ra thành công.
BSCKI Hoàng Phú Khánh cho biết, ho máu do giãn động mạch phế quản là biến chứng nặng, bệnh có tỉ lệ tái phát cao vì vậy việc điều trị cần được tiến hành cẩn trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong do suy hô hấp hoặc sốc mất máu.
Bệnh giãn phế quản là một tình trạng ở phổi gây ho và có đờm. Đường hô hấp bị nhiễm trùng tái đi tái lại. Các triệu chứng này là do giãn nở bất thường các đường thở của phổi (phế quản).
Triệu chứng thông thường nhất của bệnh là ho có đờm. Thỉnh thoảng cơn ho có thể trở nên nghiêm trọng hơn và bệnh nhân có thể bị sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm, mệt mỏi, đờm bị biến đổi về màu và về số lượng. Khi điều này xảy ra thì được gọi là đợt kịch phát của bệnh giãn phế quản. Ngoài ra, người bệnh có thể thở gấp, hụt hơi hoặc khó thở; Sụt cân không chủ ý; Ho ra máu; Tức ngực hoặc đau thắt ngực... Điều đáng nói là phế quản bị giãn không thể phục hồi và bệnh cứ lặp đi lặp lại ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian...
Không phải mổ, ra viện sau 3 ngày
BSCKI Hoàng Phú Khánh cho biết, đối với phương pháp truyền thống để ngăn chảy máu, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp như nội soi phế quản cầm máu, phẫu thuật để kẹp cầm máu hoặc cắt thùy phổi tổn thương nếu cần. Phẫu thuật mổ phổi rất nặng. Hiện nay phương pháp nút mạch ra đời mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
Theo BSCKI Hoàng Phú Khánh, đây là kỹ thuật cao, ít xâm lấn và thường chỉ áp dụng ở các bệnh viện có chuyên khoa về hô hấp. Lần đầu tiên Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí áp dụng và thực hiện thành công.
Bệnh nhân được đặt nằm dưới màn tăng sáng của “máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền”. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông nhỏ (microcatheter) từ vùng đùi lên động mạch chủ rồi luồn chọn lọc vào động mạch phế quản dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng. Sau khi bơm thuốc cản quang chụp hình động mạch phế quản, xác định nhánh động mạch phế quản thương tổn gây ho ra máu, các bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật để bơm các hạt tắc mạch nhỏ có đường kính 0.3mm-0.5mm vào lòng động mạch để gây nghẽn mạch máu.
Thời gian làm thủ thuật kéo dài khoảng từ 60 phút đến 90 phút. Bệnh nhân không cần gây mê, chỉ gây tê tại vùng bẹn. Bệnh nhân sẽ không có bất kỳ cảm giác đau hay khó chịu nào và có thể ăn uống trở lại sau thủ thuật 2 giờ, đi đứng và trở về sinh hoạt bình thường sau 18 giờ và được xuất viện sau 3 ngày.