Có thể gây bệnh nhiễm trùng huyết
Mới đây, nhiều phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai) bức xúc khi con phải sử dụng nước uống không đảm bảo an toàn. Dù trước đó, nước uống dở đã được kiểm nghiệm có trực khuẩn mủ xanh nhưng nhà trường chưa thay hãng khác khiến con họ vẫn phải tiếp tục dùng.
Cụ thể, ngày 5-6/12, ba mẫu gồm một bình nước uống đóng chai của hãng Việt Xưa đang dùng dở và hai bình nguyên niêm phong được đưa đi thử nghiệm ở Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Ngày 15/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trả kết quả thử nghiệm hai mẫu, phát hiện trong mẫu bình dùng dở có trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) với tỷ lệ 110 vi khuẩn trong 250 ml nước. Đơn vị thử nghiệm kết luận mẫu nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai về phương diện vi sinh vật.
Đến ngày 24/12, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam trả kết quả xét nghiệm một mẫu còn nguyên niêm phong của nhà sản xuất. Giống như lần trước, trực khuẩn mủ xanh được phát hiện, nhưng tỷ lệ là 68 vi khuẩn trong 250 ml.
Ở góc độ người nghiên cứu về vi khuẩn, GS.TS Phùng Đắc Cam, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu vi khuẩn đường ruột, Viện vệ sinh dịch tễ TW cho rằng, nước uống bình thường hay nước uống đóng chai không thể nhiễm trực khuẩn mủ xanh. Với tỉ lệ nhiễm khuẩn trên, chứng tỏ nguồn nước cũng như bình đựng không đảm bảo an toàn cho người dùng nói chung và sức khỏe của trẻ tiểu học nói riêng.
Vị chuyên gia phân tích, trực khuẩn mủ xanh có ngoài môi trường, đất, ở những nơi ô nhiễm. Nhất là tại các điểm nhiễm trùng bệnh viên luôn có trực khuẩn mủ xanh.
Trực khuẩn mủ xanh gây các bệnh lý từ nhẹ đến nặng, như gây sốt, đau nhức người đến các nhiễm trùng như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng vết thương… Nếu các vết thương nhiễm khuẩn, nguy cơ khó lành, viêm loét cao hơn.
Kỹ thuật xử lý không chuẩn
Ở phương diện xử lý nước, KS Nguyễn Văn Lâm, Viện hóa học cho hay, nước đóng chai nhiễm khuẩn có thể do xuất phát từ ba lý do: Vệ sinh bình chưa đảm bảo và kỹ thuật xử lý nước không đạt chuẩn và mở nắp sử dụng thì vi khuẩn xâm nhập vào.
Nhưng, nước đóng chai đang nguyên tem niêm phong xét nghiệm cũng bị nhiễm khuẩn, lại là trực khuẩn mủ xanh thì trách nhiệm thuộc về đơn vị sản xuất. Có thể lúc này, khâu khử trùng nước không được tuyệt đối. Đây chủ yếu do kỹ thuật không tốt, ít khi cắt công đoạn xử lý do không quá đắt tiền, vị chuyên gia nói.
Theo đó, để khử khuẩn nước đóng chai, cần làm sạch từ bình đến xử lý nước. Đối với vệ sinh bình nước, ngoài sục rửa bằng phương pháp hóa học nhằm tẩy rửa, làm sạch và diệt khuẩn. Sau đó, tráng lại bằng nước sạch khuẩn trước khi bơm nước vào.
Riêng xử lý nước, ngoài yếu tố lọc nhà sản xuất cần khử trùng thông qua 3 cách như dùng đèn cực tím, ozon và ion bạc. Cả 3 cách trên đều giúp diệt khuẩn, nhưng đều còn xác vi khuẩn trong nước. Vì thế, để sạch hẳn, cần cho nước chảy qua bộ lọc để loại bỏ xác hoàn toàn.
Theo các chuyên gia, để nước sạch đóng chai cho học sinh uống nói riêng và mọi người nói chung cần có các biện pháp kiểm tra, xét nghiệm thường xuyên. Hiện nay, quá trình này chưa được quan tâm thực sự, dẫn đến dù mang tiếng dùng nước sạch nhưng lại là nước bẩn, nguy hại đến sức khỏe chung.