Nước tái sinh sẽ góp phần giảm ô nhiễm cho TPHCM |
Sụt giảm nguồn nước ngầm
TS Lê Thị Minh Tâm (Phòng thí nghiệm CARE, ĐH Bách khoa TPHCM) cho biết, TPHCM hiện có 3 nguồn nước chính: Thượng nguồn sông Đồng Nai, thượng nguồn sông Sài Gòn và nước ngầm, cung cấp nước cho các đối tượng dân dụng, công nghiệp và dịch vụ. Nước nông nghiệp được cung cấp chính từ hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và nước mưa. Tỷ lệ sử dụng nước ngầm tại TPHCM rất cao, đặc biệt ở các huyện ngoại thành nơi chưa được nước máy hỗ trợ. Sự phát triển kinh tế xã hội kéo theo nhu cầu dùng nước gia tăng, cùng thực trạng suy thoái chất lượng nước, TPHCM đang chịu áp lực lớn trong khai thác nguồn nước ngọt từ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
TS Phan Thu Nga, Hội Nước và môi trường TPHCM nhận định, lượng nước cấp cho TPHCM lên đến khoảng 3 triệu m3 năm 2015, theo quy hoạch tổng thể TPHCM đến 2025, lượng nước cấp sẽ lên 4,3 triệu m3/ngày đêm. TPHCM sẽ tăng cường sử dụng nguồn nước mặt, do chất lượng nguồn nước ngầm hiện nay có chiều hướng xấu đi, mực nước ngầm ở các tầng khai thác ngày càng sụt giảm đáng kể. Năm 2015, lượng nước ngầm có thể khai thác giảm còn 6% và dự đoán sẽ dưới 1% vào năm 2025.
Nguồn nước thuộc hệ thống lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai hiện đang có dấu hiệu ô nhiễm. Theo báo cáo đánh giá tải lượng nước thải công nghiệp thải vào lưu vực sông này khoảng 180 tấn/ngày và gia tăng đến 270 tấn/ngày vào năm 2020. Nguồn nước ngầm ở TPHCM hiện đang bị ô nhiễm kim loại nặng, có pH từ 4.2-5.0 và chất lượng không ổn định, khả năng tái cấp nước giảm 39% trong tầng ngậm nước. Chất lượng nước ngầm bị suy thoái 62% và dự đoán sẽ bị xâm nhập mặn 7,4% vào năm 2020.
Nước tái sinh phục vụ nhiều hoạt động trong đời sống |
Tiềm năng lớn trong sử dụng nước tái sinh
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhu cầu nước tái sinh tại TPHCM rất cao, dùng trong các hoạt động như dội rửa toilet ở các cơ sở kinh doanh và khu thương mại, rửa đường, tưới nước công viên, cây xanh, chữa cháy, dịch vụ xây dựng, nông nghiệp… Nếu thay thế lượng nước sạch có chất lượng nước ăn uống bằng nước tái sinh cho các hoạt động này thì có thể tiết kiệm được lượng lớn nguồn nước ngọt thiên nhiên khai thác và giảm chi phí xử lý. Mặt khác, với lượng nước lớn sau xử lý có thể được sử dụng để tái tạo cảnh quan như khơi thông dòng chảy, phục hồi lại nguồn nước cho hệ thống kênh rạch hiện đang bị ô nhiễm, tạo mỹ quan đô thị, từ đó tải lượng ô nhiễm vào nguồn tiếp nhận có thể giảm đi đáng kể.
Tính theo quy hoạch tổng thể thoát nước bẩn, tổng lượng nước thải sinh hoạt của TPHCM đến năm 2020 vào khoảng 3 triệu m3/ngày. Phần lớn vị trí các trạm xử lý nước thải tập trung ở vùng ven đô thị, vì thế việc sử dụng nước tái sinh cho nông nghiệp có thể có tiềm năng lớn, đặc biệt ở vùng nước mặt bị nhiễm mặn vào mùa khô. Với công nghệ xử lý nước thải hiện nay của các trạm, chất lượng nước này có thể sử dụng lại cho tưới tiêu nông nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Phước Dân (ĐH Bách khoa TPHCM) cho biết, nếu thành phố có các chính sách hợp lý, khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng sử dụng nhiều nước thì nhu cầu nước tái sinh có thể lên đến trên 1,5 triệu m3/ngày. Hệ thống nước tái sinh kín có thể áp dụng cho các trạm xử lý nước tái sinh tại chỗ và trong khu vực đô thị trung tâm như quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10…
Việc tái sử dụng nước không chỉ chú trọng ở các ngành công nghiệp mà cần có chính sách khuyến khích tất cả các ngành dùng nước. Đối với các khu công nghiệp phải thực hiện xử lý tập trung và tái sử dụng, cần xem sản phẩm nước tái sinh là hàng hóa, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước tái sinh.