<div> <p>Hiện nay, hoạt động cung cấp nước sạch cho khu vực nội đô đang được giao cho 5 đơn vị chính gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch <span>Hà Nội</span> (Hawacom); Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco); Công ty CP nước mặt sông Đuống; và Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).</p> <p>Trong đó, Viwasupco là đơn vị cấp nguồn nước mặt từ nhà máy nước mặt Sông Đà và một số nhà máy nước quy mô nhỏ khác cho hầu hết công ty nước sạch còn lại. Đây cũng là doanh nghiệp đang gặp sự cố về chất lượng nước sạch cho người dân một số khu vực thành phố.</p> <p>Viwasupco hiện là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội, gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, và một số quận nội thành cùng một số khu vực thuộc Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Nuoc sach Song Da lai hon 700 trieu dong moi ngay hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/04/nuoc_sach_song_da.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Công ty nước sạch Sông Đà đang vướng sự cố về chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân một số khu vực Hà Nội. Ảnh: <em>Việt Linh.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Nhờ hoạt động này, mỗi năm Viwasupco đều ghi nhận hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Mảng kinh doanh nước sạch của công ty cũng có biên lợi nhuận gộp lên tới 57,2% trong năm gần nhất (2018). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch khác ở TP.HCM như nhà máy Thủ Đức, Nhà Bè, Gia Định với biên lãi gộp dưới 40%/năm.</p> <p>Trong 4 năm gần nhất, mỗi năm Viwasupco đều đạt trên <abbr class="rate-vnd">400 tỷ đồng</abbr> doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ <abbr class="rate-vnd">150 tỷ đồng</abbr>. Riêng năm 2018, công ty này ghi nhận <abbr class="rate-vnd">219 tỷ đồng</abbr> lãi ròng, tăng 29% so với năm 2017. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của công ty tăng trưởng kể từ khi hoạt động kinh doanh có lãi vào năm 2012.</p> <p>Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu của công ty này đã tăng gần 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 công ty chỉ lãi 215 triệu đồng).</p> <p>Nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Viwasupco tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Trong đó, công ty đạt <abbr class="rate-vnd">264 tỷ đồng</abbr> doanh thu, tăng 23%. Hiệu quả kinh doanh cũng được nâng lên khi biên lãi gộp đạt 56,8%, cao hơn mức 54,9% của năm trước.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Nuoc sach Song Da lai hon 700 trieu dong moi ngay hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/24/ket_qua_kinh_doanh_nhung_nam_gan_day_cua_viwasupco_p001.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tính riêng 6 tháng, Viwasupco thu về <abbr class="rate-vnd">127 tỷ đồng</abbr> lãi ròng sau thuế, tăng 31%. Bình quân mỗi ngày, công ty nước sạch này lãi hơn 700 triệu đồng.</p> <p>Số liệu trong báo cáo thường niên của công ty cũng cho biết, năm 2018, công ty này cung cấp khoảng 249.421 m3 nước ra thị trường mỗi ngày/đêm, tương đương hơn 91 triệu m3 nước trong cả năm. So với năm 2017, lượng cung cấp nước năm 2018 của công ty đã tăng 13,3%.</p> <p>Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho biết công ty có thể gặp một số rủi ro hoạt động vì nhu cầu đăng ký sử dụng nước của khách hàng rất lớn, và ngày càng gia tăng, tuy nhiên khả năng cung cấp nước của công ty bị hạn chế do nhà máy đã khai thác hết công suất của tuyến ống truyền tải nước sạch.</p> <p>Ngoài ra, 90% lượng nước sản xuất của công ty đang bán cho 3 khách hàng gồm Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông nên những thay đổi bất thường trong nhu cầu của ba khách hàng này sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của công ty.</p> <p>Viwasupco cũng lo ngại việc xuất hiện một số đối thủ cạnh tranh có tiềm lực có thể đe dọa đến khả năng tăng trưởng, thậm chí giảm sản lượng của công ty trong những năm sau này.</p> </div>