<div> <p>Ngày 11/11, Varkey Foundation công bố cô Hà Ánh Phượng (29 tuổi), giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, Phú Thọ vào top 10 Giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Nước mắt hạnh phúc của cô giáo Mường vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/12/icdn-dantri-com-vn_co-giao-muong-1605158199469.jpg" title="Nước mắt hạnh phúc của cô giáo Mường vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu - 1" /> <figcaption> <p>Cô giáo Hà Ánh Phượng (ở giữa) đang giúp học sinh người dân tộc thiểu số học ngoại ngữ. (Ảnh báo Nhân Dân)</p> </figcaption> </figure> <p><strong>Bật khóc vì quá bất ngờ</strong></p> <p>0h10 ngày 11/11 theo giờ Việt Nam, video công bố giáo viên cuối cùng vào top 10 được phát trực tiếp, cô Phượng và các giáo viên trong top 50 không ngủ, cùng nhau xem kết quả online.</p> <p>Khi câu nói "Hà Ánh Phượng - giáo viên Việt Nam" vang lên, cô Phượng kể lại với PV Dân trí: "Lúc đó em bật khóc rất nhiều vì quá bất ngờ khi vào đến top 10".</p> <p>Cô Phượng chia sẻ, danh hiệu này mang nhiều ý nghĩa, là sự ghi nhận không chỉ với cá nhân mà còn với học sinh miền núi, với nền giáo dục nước nhà.</p> <p>Đây cũng là nguồn năng lượng tiếp thêm cho học sinh miền núi và vùng khó khăn.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Nước mắt hạnh phúc của cô giáo Mường vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu - 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/12/icdn-dantri-com-vn_ha-anh-phuong-1605149826386.jpg" title="Nước mắt hạnh phúc của cô giáo Mường vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu - 2" /> <figcaption> <p>Cô Hà Ánh Phượng (29 tuổi), giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, Phú Thọ, vào top 10 giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foundation) lựa chọn.</p> </figcaption> </figure> <p>Cô Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban tổ chức giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foundation) lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc.</p> <p>Trước đó, vào tháng 3, cô Hà Ánh Phượng là một trong 50 giáo viên góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục.</p> <p>Khi lọt top 50, cô Phượng đã được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi thư chúc mừng.</p> <p>Bộ trưởng nhấn mạnh, giải thưởng giáo viên toàn cầu được ví như "giải Nobel cho giáo dục". Việc cô Phượng được vinh danh không chỉ là niềm tự hào của cô mà còn của ngành Giáo dục cả nước.</p> <p>Cô Phượng cho biết, mình người dân tộc Mường, là cựu sinh viên Đại học Hà Nội. Gia đình có hai chị em đều theo ngành Sư phạm.</p> <p>Khi ra trường, Phượng được một công ty dược của Pakistan mời làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương hấp dẫn, nhưng cô từ chối để tiếp tục học bậc thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh.</p> <p>Năm 2016, cô giáo người Mường được tuyển đặc cách vào trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.</p> <p>Từ một giáo viên một phiên dịch viên đã tham gia phiên dịch cho sự kiện lớn nhỏ của các đơn vị đến từ 18 quốc gia, cô Phượng chọn ngôi trường miền núi với gần 90% học sinh người dân tộc thiểu số.</p> <p>“Với em, quê hương luôn là chùm khế ngọt và Phú Thọ là quê hương. Nhiều người nhắn tin hỏi em tại sao chọn ở đây? Liệu em có chuyển trường không?</p> <p>Em cho rằng, mỗi mảnh đất, giáo viên đều có những khó khăn và thách thức khác nhau.</p> <p>Được làm việc mình mong ước, có ích cho xã hội, được cống hiến cho quê hương đấy là hạnh phúc”, cô Phượng tâm sự.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Nước mắt hạnh phúc của cô giáo Mường vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu - 3" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/12/icdn-dantri-com-vn_anh-phuong-4-1605149927491.jpeg" title="Nước mắt hạnh phúc của cô giáo Mường vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu - 3" /> <figcaption> <p>Với cô Phượng, được làm việc mình mong ước, có ích cho xã hội, được cống hiến cho quê hương đấy là hạnh phúc.</p> </figcaption> </figure> <p><strong>“Câu chuyện vườn chuối” và ước mơ lan tỏa học tập</strong></p> <p>Cô giáo Phượng được biết đến trước đây với câu chuyện “từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới” gây bão mạng xã hội.</p> <p>Cô kể lại, hôm đó cô đang thực hiện lớp học không biên giới trực tuyến với học sinh nước ngoài thì nhà mất điện.</p> <p>“Sợ phiền nên em ngồi ở vườn chuối nhà mình để bắt nhờ wifi nhà hàng xóm dạy nốt buổi. Buổi học đó, cô trò kết nối với học sinh của 4 châu lục và thu được nhiều điều quý giá.</p> <p>Em nghĩ bản thân mình có xuất phát điểm rất thấp nhưng đã làm được. Vì thế, em tin nhiều bạn trẻ sẽ làm được, nhất là trong thời đại 4.0”, cô Phượng cho hay.</p> <p>Được biết, cô giáo Phượng tự học cách sử dụng công nghệ thông tin, mở ra "lớp học không biên giới", kết nối học sinh với giáo viên và học sinh các nước khác.</p> <p>Cô cũng sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án, tổ chức dạy học online, lập kênh Youtube để dạy tiếng Anh miễn phí.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Nước mắt hạnh phúc của cô giáo Mường vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu - 4" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/12/icdn-dantri-com-vn_ha-anh-ophuong-4-1605150016635.jpeg" title="Nước mắt hạnh phúc của cô giáo Mường vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu - 4" /> <figcaption> <p>Trong tương lai, cô giáo Phượng muốn phát triển mô hình học sinh không biên giới trên cả nước.</p> </figcaption> </figure> <p>Trong tương lai, cô giáo Phượng muốn phát triển mô hình học sinh không biên giới trên cả nước, được hướng dẫn các thầy cô trên địa bàn, trong cả nước để lan tỏa mô hình này thành cộng đồng học tập tích cực.</p> <p>Hiện, không chỉ giáo viên thành phố mà nhiều giáo viên vùng sâu vùng khó khăn cũng đã thực hiện mô hình này.</p> <p>Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey (Varkey Foundation) thành lập năm 2014.</p> <p>Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 có 30.000 hồ sơ, năm nay chưa công bố).</p> <p>Một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD.</p> <p>Năm ngoái, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, tên Peter Tabichi nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đạt giải quốc tế. Việt Nam có cô giáo Trần Thị Thúy (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) vào top 50.</p> <p> </p> </div> <p> </p>