Có lẽ đã đến lúc chúng ta/chính quyền nắm trong tay quyền lực “cai trị”, phải cám ơn những người lái xe với “cuộc chiến tiền lẻ”. Họ đã dũng cảm vượt qua sự “sợ hãi” để trình bày oan ức. Không có họ, chính quyền đâu nhận ra những bất cập của BOT.
Câu chuyện khá “bi, hài” khi báo chí hôm qua đưa tin: “Hôm nay có kết quả đếm xe qua BOT Cai Lậy”. Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa yêu cầu Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang, Ban Quản lý dự án 8 chỉ đạo phối hợp với các đơn vị tư vấn tổng hợp số lượng lưu lượng xe, tính toán, dự báo lưu lượng xe qua trạm BOT Cai Lậy; Tính toán kinh phí xây dựng trạm tại vị trí mới và phương án tài chính dự án theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Cơ quan này cũng yêu cầu đơn vị cấp dưới là Cục Quản lý đường bộ 4 phối hợp với Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang tổng hợp lưu lượng xe theo từng mức phí lưu thông trên tuyến tránh, trên QL1 qua thị xã Cai Lậy và qua trạm thu phí hiện nay.
Dự kiến thời gian, loại xe sẽ phân luồng đi vào tuyến tránh, xác định lại số phương tiện trên tuyến tránh, tuyến QL1 và thị xã Cai Lậy trong thời gian phân luồng phương tiện làm cơ sở để Công ty Đầu tư QL1 Tiền Giang cập nhật lưu lượng, tính toán phương án tài chính.
Sao câu chuyện này không làm từ trước, khi xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án BOT Cai Lậy (và nhiều tuyến BOT khác đã và đang là điểm nóng về an toàn giao thông, rộng ra là trật tự xã hội). Nếu trong một thể chế văn minh, nền tài phán hành chính vận hành trơn tru, “thượng tôn pháp luật”, người tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô có thể khởi kiện những cơ quan quyết định đầu tư các tuyến đường bằng hình thức BOT và đòi lại tiền đã bị “tước đoạt” từ các ông chủ BOT. Nhưng ở xã hội ta việc dân “thắng kiện” quan/chính quyền còn hy hữu.
Câu chuyện BOT cho thấy một lần nữa, bài học cổ nhân dạy “nước đến chân mới nhảy” luôn là bài học thất bại về quản trị ngành, lãnh thổ và quốc gia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kiệt xuất của Đảng và nhân dân ta sinh thời đặc biệt quan tâm đến lợi ích của nhân dân và oan ức nếu họ phải chịu đựng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng cho quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn…”.
Chúng ta đã quên mất quan điểm “nhân dân” khi triển khai rất nhiều công việc, không riêng BOT trên các tuyến quốc lộ độc đáo. “Cuộc chiến tiền lẻ” thực ra là chuyện chẳng đặng đừng phản ánh oan ức của những người tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô trên các tuyến đường.
Nếu không có nhân dân, chắc gì chúng ta kiểm nghiệm được sự đúng/sai của một chính sách? Đáng tiếc, trong việc quản trị đất nước ở thời chúng ta lo lắng về cuộc cách mạng 4.0 tư duy và cách làm vẫn ở thời kỳ “xin – cho” quá lỗi thời và kìm hãm sự phát triển.
Theo phapluatplus.vn