Bãi rác chất cao như núi chỉ cách nhà dân khoảng 10m
Bãi rác tạm thời nằm trong Khu công nghiệp (KCN) Khai Quang có diện tích 2ha được hình thành từ cuối năm 2008 đầu 2009. Nói là tạm thời, nhưng bãi rác rác đã chất thành núi và đến nay thì không còn chỗ chứa.
Đi đâu dân cũng phản đối
Bãi rác tạm thời nằm trong KCN Khai Quang hình thành từ cuối 2008. Lúc đó, TP. Vĩnh Yên đổ rác ở một khu vực khác ở ngoại ô thành phố. Việc tồn tại bãi rác gây ô nhiễm môi trường đã khiến dân chúng giận dữ và ngăn chặn không cho đơn vị chức năng là Công ty Môi trường Đô thị Vĩnh Yên vận chuyển rác vào bãi. Sự phản ứng quyết liệt, dai dẳng trong nhiều ngày đã đặt giới chức năng Vĩnh Yên cũng như tỉnh Vĩnh Phúc vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu tiếp tục vận chuyển rác vào bãi thì dân sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn, mà tỉnh lại chưa có nhà máy xử lý rác và cũng chưa có bãi đổ rác thải lâu dài. Trong khi đó, rác cứ mỗi ngày một ùn ứ, không thể không có chỗ đổ.
Ông Dương Đức Nam, Trưởng phòng Quản lý Đô thị, UBND TP. Vĩnh Yên nhớ lại: Trong lúc căng thẳng, áp lực như vậy, chính quyền địa phương đã đề nghị đơn vị quản lý KCN Khai Quang cho công ty môi trường đổ tạm rác thải ra một khu vực rộng 2ha giữa lòng KCN, nhằm giải quyết căng thẳng giữa người dân với chính quyền, giảm áp lực cho chính quyền địa phương về vấn đề rác thải.
Theo một cán bộ Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Vĩnh Phúc – đơn vị quản lý KCN Khai Quang. Cứ tưởng, tỉnh chỉ đổ rác tạm trong KCN để giải quyết áp lực tại thời điểm đó. Ai ngờ, công ty môi trường đổ rác liên tục gần 10 năm trời. Đến nay thì rác đã chất cao như núi.
Từ khi bãi rác tạm thời này mọc lên, đời sống người dân khu vực lân cận gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, trước khi xây dựng bãi rác thải, đơn vị quản lý, chính quyền địa phương phải di dời toàn bộ người dân sống trong khu vực chịu ảnh hưởng. Thế nhưng, theo quan sát của PV Khoa học & Đời sống thì có nhiều hộ gia đình đang sinh sống ngay cạnh núi rác khổng lồ. Gia đình gần nhất có khoảng cách chỉ tầm10m tính từ nhà đến vị trí núi rác.
Gia đình bà Hoàng Thị Thiện phải tích trữ nước mưa để dùng thay nước giếng
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, thôn Gò Chai, xã Khai Quang tường thuật: Chịu ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường nặng nề nhất đó là hàng chục hộ dân khu vực Gò Chai, xã Khai Quang. Trước đây, khi bãi rác mới hình thành, đơn vị quản lý cùng chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ, bồi thường để dân khu vực xung quanh đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, số tiền đền bù rẻ mạt, không đủ để mua đất ở chỗ mới nên nhiều hộ không đồng ý di chuyển. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng cùng phía Công ty Môi trường Đô thị Vĩnh Yên không màng đến chuyện đền bù cho dân nữa.
Ô nhiễm nghiêm trọng
PV Khoa học & Đời sống có mặt tại khu vực cách bãi rác Khai Quang khoảng 500m, sau một cơn mưa lớn xảy ra vào tối hôm trước. Vị trí tiếp cận có một con đường bê tông rộng rãi và ngay sát Nhà máy xử lý nước thải của KCN Khai Quang. Ám ảnh đầu tiên đó là mùi hôi, hắc nồng nặc thốc vào mũi khiến nhiều người khi mới tiếp xúc với loại khí xú uế này có thể nôn thốc ngay lập tức. Ngay cạnh đường là hệ thống cống cỡ lớn đóng vai trò đấu nối nguồn nước thải sau khi xử lý của KCN Khai Quang ra hệ thống chung của thành phố Vĩnh Yên.
Nước rỉ thải thường xuyên chảy tràn ra khu vực lối vào của bãi rác Khai Quang
Theo lời người dân địa phương thì tình trạng ô nhiễm môi trường đã diễn ra từ rất lâu, đặc biệt là vài năm trở lại đây, khi bãi rác đã quá tải. Mặc dù xung quanh bãi rác có hệ thống mương để gom nước rỉ thải của bãi rác. Theo lời giới chức địa phương thì nước rỉ thải được gom vào một bể xử lý, sau đó nước được hút ngược trở lại bãi rác để thẩm thấu. Trên lý thuyết là vậy, nhưng khi trời mưa to thì gần như toàn bộ nước rỉ thải này chảy tràn ra khu vực trước cửa Nhà máy xử lý nước thải của KCN Khai Quang rồi hòa vào hệ thống cống chung ra môi trường.
Ngoài việc ô nhiễm nguồn nước, không khí xung quanh bãi rác này cũng ô nhiễm nghiêm trọng. Theo quy định của Nhà nước thì giữa bãi rác và khu dân cư phải có một khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, ở đây, bãi rác chỉ cách nhà dân chừng 10m. Một người dân khu vực Gò Chai than thở rằng, chưa thấy nơi nào mà đơn vị quản lý bầy hầy, coi thường sức khỏe người dân như nơi đây.
Bà Hoàng Thị Thiện, người dân khu Gò Chai cho biết: Mùi hôi thối bao phủ quanh năm, ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của người dân. Mặc dù đơn vị quản lý có đi phun thuốc diệt côn trùng định kỳ, nhưng vẫn không xử lý được vấn nạn ruồi muỗi. Những hôm nồm trời, người dân phải mắc màn ăn cơm, ruồi tấn công người dân vào mọi ngóc ngách, ruồi bâu như trấu. Ngoài ra, mùi hôi thối từ bãi rác thì không có cách nào hạn chế được.
Theo tìm hiểu của PV Khoa học & Đời sống, có 4 gia đình sống cách bãi rác thải chỉ vài chục mét, đó là gia đình ông Nguyễn Đình Tuyển, Nguyễn Đình Hương, Hoàng Thị Thiện, Hoàng Văn Công. Do không chịu nổi sự ô nhiễm, một số gia đình đã phải bỏ nhà cửa đi nơi khác lánh nạn. Đó là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Công. Ông Công rời bỏ nhà cửa vào thời điểm năm 2016. Do ô nhiễm môi trường khu vực này lên đến cùng cực, gia đình ông Công sợ sức khỏe con cái sẽ bị ảnh hưởng nên chuyển đến vùng đất mới sinh sống. Những gia đình còn lại vì không đủ tiền đi mua đất ở nơi khác nên đành bám trụ lại Gò Chai, chờ chính quyền địa phương giải cứu hoặc đợi bãi rác đóng cửa, đời sống nhân dân bình thường trở lại.
Ông Nguyễn Bá Hiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường – Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Bãi rác trong KCN Khai Quang đang là một điểm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai một số địa điểm khác nhằm giảm tải cho bãi rác Khai Quang, giải quyết vấn đề môi trường. Tuy nhiên việc này đang gặp một số khó khăn đến từ người dân và đơn vị quản lý KCN.
An Dương