Nữ tình nguyện viên trong tâm dịch Covid-19: “Đê vỡ thì đắp” quyết không gục ngã

(khoahocdoisong.vn) - Là một tuyên truyền viên, thấu hiểu nỗi vất vả của người dân, công nhân và các chiến sĩ áo trắng ngay tại tâm dịch Covid-19, chị Dương Thị Hoài Thu (sinh năm 1979, Bích Đông, Việt Yên, Bắc Giang) đã cùng các nhóm thiện nguyện thành lập và kết nối 5 câu lạc bộ để hỗ trợ mọi người.

10 ngày sút 4kg

Gọi cho chị Thu mãi, điện thoại bận suốt. Hơn 22h, chị mới trò chuyện với tôi được một lúc rồi lại tiếp tục họp cùng các CLB, nhóm từ thiện... để tổng kết một ngày làm việc và chuẩn bị cho công việc của ngày hôm sau.

Chị Thu (áo khoác đỏ) cùng các đơn vị đi tuyên truyền phòng chống dịch.

Chị Thu (áo khoác đỏ) cùng các đơn vị đi tuyên truyền phòng chống dịch.

Chị cho biết, chị mới tiêm văcxin Covid-19 được 2 hôm, giờ không rõ do quá mệt mỏi hay phản ứng phụ của văcxin mà chân tay bủn rủn, mỏi mệt, người lạnh... Chị cười nói, dù thế nào cũng không cho phép mình “gục ngã” mà phải tiếp tục cùng mọi người chống dịch.

Hơn 1 tháng qua, chị Thu vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại những ngày đầu khi Việt Yên phát hiện các ca nhiễm mới. Số lượng ca nhiễm tăng lên chóng mặt, cả huyện thực hiện cách ly xã hội, các khu công nghiệp bị đóng băng với số lượng công nhân quá lớn đến từ 61 tỉnh, thành trên cả nước bị mắc kẹt... Chị Thu là cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin & Thể thao huyện Việt Yên nên được phân công vào đội tuyên truyền lưu động phòng chống dịch bệnh Covid-19 của huyện.

Trao quà cho đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch.
Trao quà cho đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch.

Trao quà cho đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch.

Đó là những ngày khó khăn, gian khổ không thể tả hết bằng lời. Có ngày đỉnh điểm khi Việt Yên phát hiện hơn 300 ca mắc, tình hình dịch bệnh căng thẳng hơn lúc nào hết, 3h30 phút sáng tất cả các đài truyền thanh của các xã phát đi thông điệp kêu gọi toàn dân chống dịch, kêu gọi nhân dân đồng lòng thực hiện theo chỉ thị 15, chỉ thị 16… Thực sự là Việt Yên đã ở trong cơn ác mộng mà Covid-19 đem lại.

Trao quà cho các gia đình chính sách và trẻ em trong khu cách ly
Trao quà cho các gia đình chính sách và trẻ em trong khu cách ly

Trao quà cho các gia đình chính sách và trẻ em trong khu cách ly

Vào vùng dịch để tuyên truyền, vận động, chị Thu đã phải để lại cha già 86 tuổi có nhiều bệnh lý nền cho con trai chăm sóc, xin ở lại cơ quan (dù nhà cách cơ quan có 2km) nhằm tránh lây nhiễm cho người nhà và sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào.

Chị kể, cả ngày vất vả ngoài “trận chiến”, nhiều hôm 1 - 2h sáng mới được ngả lưng, ở cơ quan một mình, nghe tiếng xe cứu thương liên tục hú còi, lo lắng, sợ hãi cho bản thân, gia đình, bạn bè, người quen... chẳng thể chợp mắt. Trong 10 ngày đầu, chị đã sụt 4kg.

Trực tiếp chứng kiến khó khăn của những người trong tâm dịch: Khu cách ly quá tải, thiếu thốn mọi thứ, các cụ già cô đơn thiếu lương thực, thực phẩm, công nhân không đủ ăn, y bác sĩ tuyến đầu phải chịu đựng nắng nóng để truy vết, lấy mẫu... chị Thu đã viết thư kêu gọi mọi người ủng hộ Việt Yên chống dịch Covid-19.

Từ lời kêu gọi của chị Thu và sự kết nối của những người bạn, đã có rất nhiều nhóm thiện nguyện gửi đồ chi viện chia lửa cùng Việt Yên. Chị đã cùng mọi người thành lập và kết nối 5 nhóm từ thiện: Nhóm Bếp nuôi quân chống dịch; nhóm Bắc Giang chung sức đồng lòng; Nhóm CLB Văn hoá Dân gian huyện Việt Yên; Nhóm thiện nguyện Tấm lòng nhân ái Bích Động - Việt Yên; Nhóm lái xe không đồng... 

Mỗi nhóm được phân công nhiệm vụ thực hiện rõ ràng: Nhóm “Bếp nuôi quân chống dịch” nấu cơm, tiếp tế thực phẩm, nước uống, cơm hộp, nước ép hoa quả... cho các y bác sĩ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, tình nguyện viên... Nhóm lái xe 0 đồng nhận gạo, thực phẩm trực tiếp đi vào tâm dịch. Không biết bao nhiêu chuyến xe chở theo gạo, nước, sữa, trứng, rau quả… được chị Thu cùng nhóm tình nguyện không quản nắng mưa đem đến cho công nhân tại My Điền, Quang Châu, Núi Hiểu, Vân Trung…

Chị Thu.

Chị Thu.

Gói hàng 0 đồng hộ trợ công nhân

Gói hàng 0 đồng hộ trợ công nhân

Lo từ chai nước xúc miệng đến cả miếng trầu

Ngoài những nhu yếu phẩm, đồ ăn mang đến cho những người nghèo, những người khuyết tật ở tại các xã phải cách ly, các nhóm từ thiện của chị còn đến động viên, tặng quà trong các khu cách ly tập trung, tặng quà 1/6 cho các em, gửi sữa, bánh, kẹo, sách để động viên...Nơi nào thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống, nước xúc miệng, dung dịch rửa tay... từng nơi khó khăn đều được các chị lên kế hoạch chi tiết rồi kêu gọi giúp đỡ.

Không chỉ là những chai nước xúc miệng tự làm, hàng trăm lọ mật ong ngâm nghệ dành cho F0, dung dịch khử khuẩn... mà cả đến miếng trầu của các cụ bà nghiện trầu... cũng được các chị tận tình chuyển đến. Ngày nào các thành viên trong nhóm cũng dậy từ 4h sáng để chuẩn bị và tối khuya mới lại họp online bàn thảo cho công việc của ngày mới.

Ủng hộ các chiến sĩ.

Ủng hộ các chiến sĩ.

Nói về chị Thu, bà Dương Thị Thành, CLB Văn hoá Dân gian huyện Việt Yên chia sẻ, mỗi ngày trong lúc đi lo công việc, chị Thu lại tranh thủ đi qua nhà mình, qua nhà mẹ đẻ, đứng ngoài nói vọng vào để biết bố mẹ, anh chị em và con... vẫn khỏe.

Chị Thu mng thực phẩm đến cho các chiến sĩ lấy mẫu.
Chị Thu mng thực phẩm đến cho các chiến sĩ lấy mẫu.

Chị Thu mng thực phẩm đến cho các chiến sĩ lấy mẫu.

Đã không dưới 5 lần chị Thu tụt huyết áp và phải dừng công việc giữa chừng của mình, nhưng chỉ khi khỏe lại là chị lại lao vào với công việc.

Một tài xế lái xe O đồng cho biết, ngày thường vẫn biết chị Thu là là một người mạnh mẽ, quyết liệt, đã làm MC, là đạo diễn các chương trình văn nghệ lớn ở huyện, vậy mà những ngày này, không ít lần thấy chị phải giấu đi những giọt nước mắt khi chứng kiến đoàn các bác sĩ về chi viện cho Bắc Giang, các tình nguyện viện ngất xỉu vì nắng nóng, các em nhỏ một mình đến khu cách ly...

Chị Thu tâm sự: "Khó khăn chồng chất khó khăn nên không thể giải quyết hết được, chúng tôi chỉ làm theo cách “đê vỡ thì đắp”, cố gắng hết sức, được tới đâu hay tới đó. Bởi lượng công nhân quá lớn, dịch bùng phát nhanh... Chưa bao giờ Việt Yên lại khó khăn đến thế. Tôi luôn nghĩ: Sống sót qua đại dịch là một ân huệ lớn!".

Theo Đời sống
back to top