<div> <div> <table align="center"> <tbody> <tr> <td class="pic"><img src="https://khds.1cdn.vn/2019/04/02/tien(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption">Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến</td> </tr> </tbody> </table> <p>Chia sẻ với <strong>Infonet</strong>, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nói rằng ông cảm thấy phẫn nộ khi nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bắt nạt và làm nhục.</p> <p>“Nỗi nhục này không phải chỉ với riêng cá nhân cháu mà còn lan ra cho cả trường, thầy cô giáo ở đấy nữa.</p> <p>Học sinh đánh bạn đến mức lột quần áo, đánh hội đồng một cách dã man đến mức cháu phải nhập viện. Toàn bộ nhà trường ở đâu, giáo dục như thế nào, can thiệp của người lớn, của các thầy cô giáo ở đâu mà để xảy ra câu chuyện đau lòng đến như vậy?”, ông Tiến đặt câu hỏi.</p> <p>Dẫu biết rằng, Bộ GD & ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Sở GD & ĐT, cũng như Ban giám hiệu nhà trường và đưa ra hình thức kỷ luật là hoàn toàn xứng đáng nhưng ông Tiến vẫn nhấn mạnh “phải xử lý nghiêm khắc mang tính răn đe cao”. </p> <p>Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Nếu cháu bé bị chấn động tâm lý, bị thương nặng hơn…thì phải khởi tố vụ án hình sự chứ không chỉ dừng ở mức cách chức, kỷ luật như hiện nay.</p> <p>Điều này đã được quy định trong Bộ Luật hình sự: Nếu người nào đó, xâm phạm thân thể người khác để lại hậu quả nghiêm trọng sẽ bị khởi tố.</p> <p>Đây là tiếng chuông báo động về giáo dục đạo đức trong học đường và nạn bạo hành học đường. Nơi lẽ ra phải có môi trường thuần khiết, có giáo dục nhất thì lại xảy ra những việc đó".</p> <p>Lý giải điều này, ông Tiến cho rằng “nếu không xử lý nghiêm sẽ như vết dầu loang. Ai cho phép học sinh có hành vi bạo hành với những học sinh khác?</p> <p>Nếu chúng ta không làm nghiêm khắc sẽ loang sang các trường khác, các lớp khác. Các em học sinh sẽ tự cho mình cái quyền đánh đập người khác, nhục mạ người khác đến mức lột truồng nhau ra… tạo ra sự phẫn nộ trong dư luận xã hội”.</p> <p>Trả lời câu hỏi nạn bạo lực học đường không phải là mới, vì sao chúng ta không xử lý được triệt để, phải chăng Bộ GD & ĐT chỉ mải chạy theo thành tích mà “quên mất” nội dung quan trọng của giáo dục là dạy làm NGƯỜI, ông Tiến cho rằng, do chúng ta chưa làm kiên quyết và mạnh mẽ vô hình chung nuôi dưỡng, dung dưỡng hành động ấy.</p> <p>“Ngoài ra xuất phát từ việc giáo dục, ở cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong gia đình phải giáo dục con cái về việc phản đối, đấu tranh với những hiện tượng, hành vi bạo hành với trẻ em. Nhà trường càng phải như thế.</p> <p>Ngoài xã hội thì người lớn phải là tấm gương cho các cháu. Chúng ta cứ nói về việc phải cư xử với nhau văn minh, lịch sự nhưng ngoài xã hội vẫn xảy ra tình trạng hễ có vấn đề gì không hài lòng với nhau là ngay lập tức thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thay vì câu “xin lỗi”… thì thật khó để những đứa trẻ cư xử như chúng ta mong muốn.</p> <p>Người lớn chính là tấm gương của trẻ nhỏ. Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục- gia đình gương mẫu, nhà trường gương mẫu, ngoài xã hội người lớn cũng phải gương mẫu trước trẻ em thì mới có thể khắc phục được tình trạng đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua”, ông Tiến kết luận.</p> <div>N. Huyền</div> </div> <div> <div> <div> </div> </div> </div> </div> <p> </p>