Đám cưới chỉ có 3 người
“Đã là con gái thường hay mơ mộng màu hồng. Em từ nhỏ cũng suy nghĩ như vậy, mong có một đám cưới ấm cúng với đầy đủ người thân hai gia đình, anh chị em và bạn bè. Thế nhưng, trước tình hình Covid-19, hoàn cảnh không cho phép tụi em được tổ chức lễ cưới như mong đợi nên làm sao cho gọn gàng mà vẫn đủ ý nghĩa là điều mà hai bên gia đình thống nhất”, Nữ điều dưỡng Thủy Trang, Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức chia sẻ.
Đám cưới online đặc biệt của nữ điều dưỡng Lê Thị Thủy Trang, Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM. |
Cô dâu Thủy Trang và chú rể Hoàng Nguyên quen nhau được hơn 1 năm thì tiến tới hôn nhân.
Chú rể Hoàng Nguyên. |
Nhà của Thủy Trang ở Côn Đảo còn nhà chồng ở Đăk Nông. Ban đầu, cả đôi bên gia đình bàn tính làm tiệc cưới đãi khách khoảng 300 người. Khi cơn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khu nhà xung quanh bị cách ly, phong tỏa, TPHCM giãn cách… đôi vợ chồng trẻ quyết định làm đám cưới online.
“Tụi em cũng muốn trở thành một gia đình để được chăm sóc nhau, yêu thương nhau, mà em cũng không biết dịch khi nào mới hết. Ba mẹ coi cho tụi em ngày lành tháng tốt, ngày 5/6/2021. Nên tụi em nói với gia đình về việc hai đứa em sẽ làm đám cưới online. Mọi người cũng tán thành vì hai bên đã biết mặt nhau rồi. Mọi người thấy thương tụi em và nói sau này sẽ bù cho tụi em”, cô dâu trẻ hạnh phúc.
Cô dâu Thủy Trang. |
Minh Thư, em chú rể, lần đầu tiên tự tay bó hoa, trang điểm, kiêm luôn chụp hình. Chồng cô thổi bóng bóng, trang trí nhà cửa. Đám cưới chỉ có 3 người, đơn giản mà vui dạt dào.
“Làm đám cưới online, em nghĩ giống như là một thử thách ban đầu dành cho tụi em vậy. Khi làm đám cưới online, tụi em cũng hơi buồn một chút. Gia đình họ hàng ai cũng buồn. Nhưng dịch như vậy mình biết phải làm sao. Em lại làm trong ngành y, nên hiểu rõ những áp lực trong việc phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, việc tuân thủ quy định của Nhà nước, ngành y tế và lãnh đạo bệnh viện là điều thiết yếu ngay lúc này”, Thủy Trang tâm sự.
Họ cưới nhau và mùa xuân sẽ theo về. |
Cô lại vui mừng bày tỏ khi đám cưới của cô được nhiều người chúc phúc. Đám cưới của họ trở thành một kỷ niệm khó phai.
Điều dưỡng, người xoa dịu nỗi đau bệnh nhân
Trong một khóa tập huấn về tăng cường năng lực cho điều dưỡng trong chăm sóc, phòng ngừa lây nhiễm và ứng phó với dịch Covid-19, TS Satoko Otsu, Trưởng nhóm bệnh truyền nhiễm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam,nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã nhắc nhở chúng ta về vai trò quan trọng của các điều dưỡng trong làm giảm nhẹ sự đau đớn và cứu sống người bệnh. Họ là những người trực tiếp thực hiện và đảm bảo chất lượng chăm sóc người bệnh bất kể trong điều kiện, hoàn cảnh nào.
Mọi người chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ qua điện thoại. |
Nhiều người đã rời xa gia đình, để lại con nhỏ, gác lại hạnh phúc riêng tư để lao vào cuộc chiến chống Covid-19. Họ luôn có mặt ở mọi trận tuyến từ khám sàng lọc, chăm sóc người bệnh tại khu cách ly, theo dõi những bệnh nhân nặng trong phòng hồi sức…
Theo BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, trong cuộc chiến chống lại Covid-19, người chiến sĩ áo trắng ra trận hay người chiến sĩ áo trắng ở lại địa phương đều đang phải gồng gánh, không phải chỉ Covid-19 mà còn là những bệnh nhân mắc các bệnh tật khác đang điều trị tại bệnh viện.
Những ngày tháng chống dịch Covid-19 này, chúng ta lại chứng minh với nhau rằng “ý chí của con người vô hạn”. |
“Vẫn nói “sức người có hạn” nhưng vào những ngày tháng chống dịch Covid-19 này, chúng ta lại chứng minh với nhau rằng “ý chí của con người vô hạn”, Bằng cách này hoặc cách khác, chúng ta đã kịp động viên nhau để đoàn kết chống dịch. Chúng tôi biết ơn từng sự cố gắng, mỗi sự hy sinh của các nhân viên y tế. Ngày Covid-19 lùi xa, chúng ta sẽ rất tự hào khi nhìn lại quãng đường này!”, BSCKII Võ Đức Chiến nhấn mạnh.
Tất cả vì sự an toàn của người bệnh nói riêng và mọi người nói chung! Mỗi nhân viên y tế thật sự là những “siêu nhân không mặc áo choàng”, với tất cả tinh thần và trách nhiệm của nhân viên y tế cố gắng đem lại cuộc sống an lành cho người dân.