Bắt tay sản xuất văcxin
Ánh lên niềm tự hào về phòng thí nghiệm khang trang giữa chiến trường do chính tay mình tự làm, Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên không ngừng xúc động kể, dù chỉ rộng khoảng 30m2 nhưng ai đến cũng phải trầm trồ khen đẹp.
“Đã được trải nghiệm cuộc sống ở chiến trường, lần này đến địa điểm mới, tôi đề nghị làm khu chuyên môn khang trang hơn để sản xuất văcxin tả, thương hàn, đậu mùa. 3 ngôi nhà chuyên môn: 1 nhà sấy hấp, chuẩn bị dụng cụ, pha chế môi trường nuôi vi khuẩn; 1 nhà để sản xuất văcxin đậu mùa; 1 nhà làm phòng thí nghiệm để sản xuất văcxin tả, thương hàn. Ngôi nhà này được trang trí màu trắng: Dù trắng căng trên trần nhà, bên trong cho chạy xung quanh nilon màu trắng, bàn tre cũng trải nilon trắng. Tủ ấm chạy bằng đèn dầu hỏa, điều chỉnh cho đúng nhiệt độ để vi khuẩn phát triển. Tủ cấy vi khuẩn vô trùng, kính hiển vi, lò sấy ướt, cân hóa chất, các dụng cụ phòng thí nghiệm… đều vận chuyển từ Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội vào. Chai Roux để nuôi vi khuẩn thay bằng chai rượu Johnnie walker do các em đi đồng bằng thu mua và mang về… Khi phòng thí nghiệm làm xong, tôi thật sự sung sướng vì lần này xây dựng khu chuyên môn đã có nhiều kinh nghiệm từng trải nên tôi rất hài lòng.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên vẫn đều đặn đến phòng làm việc trên gác 2 khu nghiên cứu văcxin của Công ty Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), miệt mài nghiên cứu phát triển văcxin. |
Bác sĩ Chất (thay cho BS Trần Dzũ đã ra Bắc) phân công tôi phụ trách chuyên môn của cơ quan. Tôi bắt tay ngay vào việc rất phấn khởi, tự tin và quyết tâm cao. Chúng tôi đào tạo 3 - 4 em trình độ văn hóa chỉ lớp 3, lớp 4 để phụ cho tôi công việc phòng thí nghiệm sản xuất văcxin tả, thương hàn, 3 em phụ cho xản xuất văcxin đậu mùa và 2 em phụ cho Y sĩ Chiểu phục vụ chuẩn bị và sấy hấp dụng cụ, pha chế môi trường.
Những loạt văcxin tả, thương hàn, đậu mùa tiếp tục ra đời chất lượng hơn, hình thức đẹp hơn sau bao nhiêu nỗ lực, quyết tâm và niềm say mê với nghề đã mang lại kết quả này. Công việc chuyên môn hằng ngày làm từ 5h30 chiều đến 9 giờ sáng, sau đó đi làm rẫy đến 5 giờ chiều, sấy hấp dụng cụ làm vào ban đêm. Mỗi khi có khách đến K15, chúng tôi rất tự hào giới thiệu về phòng thí nghiệm có một không hai ở chiến trường này. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi cả về cơ sở vật chất và các sản phẩm đã tạo ra: Văcxin được đóng vào ampoule, dán nhãn có kiểm định chất lượng kèm theo trông rất “oai”! Số văcxin này chỉ gọi là đủ để cung cấp cho một số rất ít vùng giáp ranh giữa địch và ta của Quảng Tín, Quảng Đà và Quảng Ngãi. Với nguyên liệu lúc ấy cộng với điều kiện chiến tranh, không thể có văcxin để tiêm cho toàn dân, dù thực tâm trong lòng, tôi rất mong mỏi điều đó.
Những trận sốt rét nhớ đời
Nhiều khi đang làm chuyên môn, nghe tiếng súng ùng oàng đâu đó hay những loạt B52 rất gần rung cả núi rừng, những loạt B52 ập đến trên đầu… cứ sợ phải dời cơ quan, phải xây dựng nhà cửa, phải làm lại từ đầu… lúc nào cũng phải sẵn sàng di chuyển. Chuyện đói gạo, đói sắn xảy ra triền miên, ai cũng sốt rét da xanh lè. Có lúc tôi bị sốt đi sốt lại mấy tháng liền, hồng cầu chỉ còn 1,5 triệu, trọng lượng cơ thể chỉ còn 31kg, trông như một “bà già”. Có những trận sốt rét không dứt cơn, nằm trên võng mà khiến cả mái nhà cũng rung lên bần bật. “Khi sốt rét không cắt cơn, tôi bảo cậu y tá cơ quan tiêm trực tiếp thuốc ký ninh vào tĩnh mạch giúp, dù điều này là không được phép. Tôi dặn cậu cứ tiêm thật chậm thôi. Thật may là cũng dứt được sốt. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế mà các loạt văcxin được phân phối để phòng bệnh cho nhân dân, trong tôi lại tràn ngập niềm hạnh phúc”, Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên kể.
Năm 1969, chúng tôi đang đói quay đói quắt, đi mót sắn chất độc hóa học cũng không có mà ăn, cả cơ quan phải ăn củ nưa (một loại củ rừng rất nhiều nhựa) cho dù ngâm, rửa, luộc 2 - 3 lần đổ nước nhưng ăn xong mọi người đều bị nôn mửa, đau bụng, có người nôn ra máu. Một hôm BS Nguyễn Văn Thái, trước đây công tác ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội (tốt nghiệp năm 1961) ở Ban Dân y Khu đến vừa lúc tôi đau bụng quằn quại, nôn mửa ghê quá, anh liền tặng mấy câu thơ: Tạo hóa sinh ra cái củ nần/Ăn vô ngứa ngáy khắp toàn thân/Ăn xong nôn ọe lăn ra khóc/Chỉ tại tham ăn nên cực thân!
Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên hồi tưởng ký ức hào hùng nghiên cứu văcxin trong chiến trường. |
Trong lúc đói khát, đến người ốm cũng chỉ được ăn cháo ngô đấy là ưu tiên cho bệnh nhân. Thật may cơ quan nhận được phiếu gạo ở Tiên Phước. Cả đoàn 12 người hăm hở đi cõng gạo, tôi rất vui vì có dịp xuống ăn mỳ Quảng, mua sắm vài thứ. Nào ngờ chỉ có 1 ngày ở đồng bằng mà tàu “rọ” đuổi chạy tan tác chẳng mua được gì, lúc nào cũng phải bám liên lạc với đoàn. Nhân dân ở đó nói: Không biết hôm nay có chuyện gì mà tàu "rọ" lên sục sạo sớm thế? Bọn trẻ con chăn bò thì vừa chạy vừa la to: “rọ hỉ, rọ hỉ”… hình như loan tin mật báo cho phe ta. Xuống chợ hợp pháp, dân họ nhìn là nhận ra ngay dân miền Bắc vào. Họ rất nhiệt tình và bao giờ cũng vừa bán vừa cho, nhất là con gái như tôi, thế nhưng có kịp mua gì đâu, một bà thím thấy tôi bèn níu lại, giật lấy cái mũ tai bèo rồi bốc đầy kẹo cho tôi và nói: “đem về ăn đi con”. Tôi chỉ kịp nói “cảm ơn thím”.
Một lần chết hụt
Tôi vô cùng cảm động về tấm lòng của nhân dân dành cho cách mạng, tự nhiên nước mắt cứ tuôn trào… Cả đoàn cứ giục nhanh lên chứ không khéo mất gạo, thiệt mạng. Thế là vội vàng quay về. Lần nào xuống đồng bằng cũng trong hoàn cảnh chạy càn, chạy máy bay, chạy tránh pháo, tránh rốc-két… mình lại chậm chạp nhất trong đoàn nên chẳng khi nào mua được cái gì cho mình như mong muốn. Khi trở về tôi chỉ mang số gạo bằng một nửa so với mọi người, lại còn đi rất chậm.
Khi về đến dốc “3 rẫy” đó là 3 quả đồi trọc, chỉ có các tảng đá trên 3 quả đồi trơ trụi. Máy bay trinh sát địch đã phát hiện ra chúng tôi. Chúng gọi tàu rọ (HU1A) lên. Cả đoàn nhanh chân đã vào rừng, còn tôi đang ở quả đồi thứ 3. Có 3 chiếc tàu rọ lên quần riết, bắn rốc két khắp cả đồi và trong rừng. Sau đó 2 chiếc nữa lên vừa bắn vừa uy hiếp. Tôi nấp giữa hai tảng đá trơ trọi, gùi gạo đè lên lưng, với bộ quần áo vải bộ đội đã bạc màu như màu đá và màu xám của gùi gạo đã ngụy trang cho tôi. 5 chiếc tàu rọ bay quần đảo cả giờ đồng hồ. Tiếng quạt rít lên của 5 chiếc trực thăng tưởng chừng cuốn bay cả tôi đi. Tôi vẫn trong tư thế bất động. Tiếng rốc két xẹt xẹt, đoàng đoàng qua đầu, nổ giòn quanh tôi, mảnh bắn tung tóe… cuối cùng chúng cũng rút đi.
Cả đoàn ở trong rừng cứ tưởng tôi đã chết. Tôi cùng gùi gạo lăn khỏi hòn đá, chân tay tê cứng. Tôi cũng không rõ mình có bị thương không. Các bạn trong rừng ùa ra vừa gọi vừa tìm tôi nhưng tôi không đủ sức để đáp lại… Ôi thật may thay, tôi vẫn còn nguyên vẹn! Đúng là đạn tránh mình chứ mình làm sao tránh được đạn.
Tối hôm đó Y sĩ Chiểu, trưởng đoàn tuyên bố: Hôm nay cho mỗi đứa một lon gạo nấu cơm để “xả xui” cả đoàn đã an toàn trở về, còn mấy bánh đường đen để dành về nhà nấu chè sắn liên hoan. Trong gian khổ, ác liệt nhưng cũng có những niềm vui nho nhỏ và sự lạc quan là vậy.
"Giữa chiến trường miền Nam lúc này, ở đâu và bất cứ ai cũng đều trải qua những ngày tháng đói khổ, ác liệt nhưng ai cũng giống nhau đều có gương mặt đầy tự hào, vượt lên tất cả để hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho", Anh hùng Lao động.TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên chia sẻ.
(còn nữa)