<div> <div> <p>Trao đổi với Báo Người Lao Động sáng 24-1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội kiêm điều hành khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết <span>coronavirus</span> sẽ suy yếu ở nhiệt độ ấm áp, cụ thể là trên 20 độ C, nhất là trên 25 độ C, nhưng điều này không có nghĩa là TP HCM và các địa phương có khí hậu nóng nực khác sẽ an toàn.</p> <p>BS Khanh nhấn mạnh rằng người dân không nên chủ quan. Khả năng lây nhiễm vẫn có, nhất là trong dịp Tết, nhiều người du xuân ở chốn đông người. Đây là loại virus lây qua đường hô hấp nên có thể lây khi nói chuyện với người bệnh ở cự ly gần, không may dính chất tiết đường hô hấp (ví dụ nước bọt).</p> <div> <div><img alt="Nóng nực ảnh hưởng gì đến coronavirus gây viêm phổi lạ? - Ảnh 1." data-original="https://nld.mediacdn.vn/2020/1/24/11843140-3x2-xlarge-15798387901131666066231.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/31/11843140-3x2-xlarge-15798387901131666066231.jpg" title="Nóng nực ảnh hưởng gì đến coronavirus gây viêm phổi lạ? - Ảnh 1." /></div> <div> <p data-placeholder="[nhập chú thích]">Nhân viên sân bay tại Trung Quốc đang kiểm tra hành khách - ảnh: AP</p> </div> </div> <p>Để tận dụng yếu tố nhiệt độ ảnh hưởng lên sức mạnh của virus, người dân nên chú ý tránh ở trong các phòng kín có nhiệt độ quá lạnh, ví dụ như phòng máy lạnh có nhiệt độ dưới 25 độ C, nhà cửa nên được mở cửa cho thông thoáng. </p> <p>Đây là kinh nghiệm rút ra từ đợt dịch SARS nhiều năm về trước. Tại Hàn Quốc, các cơ sở y tế "kín mít" và lạnh quá là một trong các nguyên nhân khiến SARS bị lây lan nhanh trong cơ sở y tế; trong khi ở Việt Nam, các phòng bệnh thông thoáng, ấm áp lại giúp đẩy lùi sự lây lan đáng kể.</p> <p>2 yếu tố khác có thể khiến virus khó lây hơn là độ ẩm cao trong không khí và chất lượng không khí tốt. Đó là lý do nhà cửa cần thông thoáng.</p> <p>Loại khẩu trang có thể phòng ngừa được chất tiết chứa coronavirus phải là khẩu trang phẫu thuật 3 lớp. Ngoài ra, BS Khanh nhấn mạnh: Hãy rửa tay.</p> <p>Ông cũng lưu ý các đối tượng dễ bị trở nặng nếu nhiễm bệnh do coronavirus là người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính, sức khỏe kém...</p> <p>Trong một diễn biến khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng vừa đăng tải lên website chính thức tuyên bố về cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp về các quy định y tế quốc tế, liên quan đến sự bùng phát của coronavirus mới 2019-nCoV. Theo đó, WHO vẫn chưa xác định "tình trạng khẩn cấp về mối quan tâm quốc tế vầ sức khỏe cộng đồng" (PHEIC), tuy nhiên ủy ban đã được đề nghị phải tổ chức lại trong vài ngày để xem xét lại độ khẩn cấp của tình huống lần nữa.</p> <p>Tuyên bố cũng nêu rõ quan điểm của WHO đối với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc: Dự kiến các ca bệnh "xuất khẩu" ra quốc tế sẽ có nhiều hơn nữa và có thể xuất hiện ở bất kỳ quốc gia nào. Vì vậy, tất cả các quốc gia trên thế giới cần chuẩn bị ngăn chặn, giám sát tích cực, phát hiện sớm, cách ly và xử lý tình huống, ngăn chặn lây lan và cập nhật dữ liệu đầy đủ đến WHO. WHO cũng kêu gọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm xác định được chính thức nguồn lây ban đầu của 2019-nCoV, đồng thời đánh giá khả năng lây từ người sang người của nó.</p> <p>Thống kê mới nhất tại Trung Quốc cho thấy quốc gia này đã có 830 người nhiễm coronavirus mới.</p> <p>Hiện các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tuyên bố có ca coronavirus mới "nhập cảnh" bao gồm Nhật Bản, Hồng Kông, Ma Cao, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Sigapore và Việt Nam.</p> </div> </div> <p> </p>